(HNM) - Chỉ ít ngày sau khi chính thức được nhà đầu tư đưa vào khai thác và thu phí, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã bộc lộ hàng loạt bất cập, từ chuyện đầu tư xây dựng cho đến phương thức thu phí, phân luồng tổ chức giao thông...
Xe tải đi vào đường làng để né trạm thu phí. Ảnh: Tuấn Khải |
Cao tốc tiêu chuẩn… "đường làng"
Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang dài khoảng 45km, do liên danh nhà đầu tư BOT, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại 319, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest là chủ đầu tư; được thông xe vào tháng 1-2016 và chính thức thu phí hoàn vốn từ ngày 25-5. Rất nhanh, tuyến cao tốc này đã bộc lộ hàng loạt bất cập, gây bức xúc trong dư luận và người tham gia giao thông cũng như người dân sống dọc tuyến đường. Nhiều người kêu dù tuyến đường gọi là cao tốc, thu phí theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng thực tế thì khác xa.
Thứ nhất, trên tổng chiều dài toàn tuyến là 45km có tới 25km thuộc đoạn Hà Nội - Bắc Ninh (từ trạm thu phí gần cầu Phù Đổng đến TP Bắc Ninh) vốn là nền đường cũ được làm từ nguồn vốn ngân sách và nay chỉ là thảm lại mặt đường. Do đó, ngoài việc mặt đường trông mới hơn và các hệ thống biển báo đẹp mắt hơn, hầu như không có nhiều đổi khác. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Tiếng là cao tốc nhưng chỉ có 2 làn đường, đường gom và điểm dừng đỗ đều không có nên ô tô, xe máy phải đi chung đường. Xe ôm, ô tô khách dừng đỗ đón trả khách bừa bãi... Biển báo cho phép lưu thông tốc độ tối đa 100km/h nhưng với tình trạng giao thông hỗn hợp như vậy rất không an toàn, nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn".
Thứ hai là chuyện thu phí. Với vị trí đặt trạm thu phí (TTP) tại Km152+080 quốc lộ 1 (xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chỉ cách TTP Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) vài kilômét, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua TTP này. Theo quy định, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng đều áp dụng mức phí 35.000 đồng/lượt. Tức là sau khi đã đi qua TTP, phương tiện đi ra ở bất kỳ chỗ nào trên đường cũng bị thu một mức phí đồng đều như nhau. Nhiều lái xe cho rằng áp dụng "cứng" như vậy là không hợp lý và quá cao. Có người hằng ngày chỉ đi một đoạn ngắn quãng 12km từ Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm) sang Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng phải trả phí như người đi suốt tuyến đường dài 45km là không công bằng…
Việc thu phí tại cao tốc Hà Nội - Bắc Giang gây phản ứng trong dư luận. Ảnh: Tuấn Khải |
Đề nghị "trái khoáy" của nhà đầu tư
Đáng chú ý là gần đây, nhà đầu tư đã đề xuất phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc. Theo đó, mô tô, xe máy từ Hà Nội về Bắc Ninh sẽ bắt buộc ra khỏi quốc lộ 1 tại nút giao đê Phù Đổng và đi theo biển hướng dẫn qua các tuyến đường tỉnh lộ, khu công nghiệp. Đặc biệt, có những cung đường phải đi qua đường giao thông nông thôn. Phương án phân luồng mới này đã vấp phải sự phản ứng mạnh bởi cung đường này là nhiều đoạn đường nhỏ, xuống cấp nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là hệ thống biển báo chỉ dẫn không có, hệ thống chiếu sáng không đồng bộ. Đáng nói nữa là phương án này khiến người tham gia giao thông phải đi xa hơn đường cũ 20km.
Trong lúc hàng loạt bất cập không được xử lý thì những đường tỉnh lộ, thậm chí cả đường làng thuộc tỉnh Bắc Ninh và xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) ngày ngày phải oằn mình chịu đựng lượng lớn xe tải, xe khách và xe con né TTP. Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, đây là đoạn đê có mặt đường nhỏ, cơ đê yếu, hai ô tô tránh nhau đã khó, lại đi qua khu vực chợ trung tâm và đền Phù Đổng nên thường xuyên ách tắc. Đoạn cuối đường đê này còn có một hầm chui nhỏ chỉ đi vừa một xe ô tô. Khi qua đây, các xe phải né nhau gây ùn ứ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, đoạn đường này còn có 2 trường cấp I và II của xã Phù Đổng, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.
Theo ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội, tuyến đường đê Phù Đổng hiện không có biển cấm hay hạn chế tải trọng nên các phương tiện có quyền đi vào. Các lực lượng chức năng chỉ có thể theo dõi sát tình hình, báo cáo các cấp lãnh đạo chứ không thể ngăn được tình trạng này, song hệ lụy là rất lớn.
Chỉ phải cải tạo, nâng cấp đường, "dán mác" cao tốc rồi thu phí, bao nhiêu lợi ích nhà đầu tư hưởng hết. Phí cao, xe tải, xe khách tìm cách né trạm, khó khăn thiệt hại đổ hết vào đầu chính quyền và người dân các địa phương. Vậy bao giờ Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào cuộc và có phương án xử lý phù hợp, thay vì chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư là điều dư luận hết sức quan tâm?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.