(HNM) - Đến thăm thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa đường làng trải bê tông rộng tới 4m, hai bên đường là những hàng dừa lâu năm, nhiều nhà cao tầng, dáng dấp hiện đại mọc san sát. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cao Thành khoe, giờ ở Cao Lãm, nhiều gia đình thành đạt, con cháu về quê xây dựng nhà dăm ba tỷ là chuyện bình thường.
Cao Lãm đã là "làng khoa bảng" từ cách đây hơn hai trăm năm. Dưới triều đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI - XVIII), với số dân lúc đó chỉ vài trăm người, sống bằng nghề nuôi tằm, quay tơ dệt lụa mà đã có tới 99 vị học hành, đỗ đạt cao, từ Sinh đồ tới Đình nguyên, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Thời hiện đại, làng Cao Lãm có 7 tiến sĩ, gần ba chục thạc sĩ và trên hai trăm bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, nhạc sĩ làm việc ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Một góc làng quê thôn Cao Lãm - xã Cao Thành. Ảnh: Sơn Tùng |
Trưởng thôn Cao Lãm Nguyễn Bá Lường cho hay, chi bộ Đảng cùng các đoàn thể trong thôn coi việc lo học tập của thế hệ trẻ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên phải quan tâm. Các dòng họ trong làng đều có quỹ khuyến học. Hội đồng hương nào cũng thành lập quỹ khuyến học. Ban khuyến học của làng hoạt động tốt nhiều năm nay với vốn quỹ lên tới vài chục triệu đồng. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, làng lại tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng các cháu đạt học sinh giỏi, đỗ đại học, học sinh nghèo vượt khó... Chính vì hiếu học mà nhiều người con Cao Lãm đã chọn nghề dạy học để truyền cái chữ, định hướng làm người cho con em họ và các nơi. Chả thế mà cả làng có tới trên ba chục thầy cô giáo đương nhiệm. Số giáo viên nghỉ hưu cũng đến sáu chục người (không kể số người làm nghề này đang ở khắp trong và ngoài nước).
Bao năm nay người dân Cao Lãm vẫn giữ gìn và phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, đời sống của người dân ngày một ổn định. Nói là giàu to, phát tài lớn thì không đúng nhưng nhờ có con đường đi đúng hướng mà mỗi mái nhà ở đây thực sự là tổ ấm, cái nôi nuôi dưỡng con cháu thành người có ích cho xã hội. Cao Lãm có 1/2 dân số đã chuyển từ nông dân thành kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà giáo, số gia đình có 3 đến 4 con tốt nghiệp đại học trở lên khá phổ biến. Cán bộ văn hóa xã Đỗ Khắc Nhận hồ hởi khoe thành tích học tập ở địa phương bằng những con số đầy thuyết phục: Trong hai năm 2010-2011, địa phương có 39 học sinh giỏi cấp huyện, thành phố và 60 học sinh đỗ vào các trường đại học chính quy. Năm học 2011-2012, có 47 học sinh giỏi cấp huyện và thành phố, hơn 20 học sinh đỗ vào các trường đại học chính quy.
Cổng làng Cao Lãm có đôi câu đối đầy ý nghĩa khiến ta lý giải phần nào sự thành đạt trong con đường học vấn của người dân nơi đây: "Linh chi lai hề vân vi cái nguyệt vi sa đồng nhân cộng ngưỡng. Thần sở lao hỹ danh ư triều lợi ư thị xuất môn hữu công". Đại ý: Nơi đây cảnh quan thật là đẹp, mây như lọng che, mặt trăng như xe kéo, mọi người ai qua cũng đều ngưỡng vọng. Quê hương là gốc rễ chặt bền, danh tiếng ở chính trường, lợi lộc nơi chợ búa, con dân của làng ra khỏi làng là làm nên - và phải làm nên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.