(HNM) - Nhiều năm qua, Việt Nam tuyên bố mở cửa và luôn khẳng định lòng hiếu khách. Từ
Từ tội phạm xuyên quốc gia đến trộm cắp vặt
Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ CA), tội phạm là người nước ngoài đã và đang coi Việt Nam như một điểm mở rộng hoạt động, nơi lẩn trốn sự truy bắt của các cơ quan pháp luật nước ngoài và quốc tế. Hoạt động của chúng rất đa dạng, từ tội phạm nguy hiểm như ma túy, mua bán người, lừa đảo xuyên quốc gia cho đến những đối tượng trộm cắp, lừa đảo... Thủ đoạn gây án ngày càng phức tạp, mức độ manh động, liều lĩnh ngày càng tăng.
Nguy hiểm nhất là tội phạm ma túy. Nhiều năm trước, tội phạm ma túy người nước ngoài thường là đối tượng có quốc tịch ở các nước láng giềng, hoạt động theo tính chất lợi dụng vùng biên để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ ba, cùng chung biên giới. Gần đây, nhiều đối tượng tội phạm ma túy đến từ các nước Châu Phi, Trung Đông đã vào Việt Nam cắm rễ, liên hệ với các đối tượng phạm tội trong nước, thiết lập những đường dây ma túy lớn, hòng biến Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy đi nhiều nước.
Bên cạnh những nhóm tội phạm có tính tổ chức cao như tội phạm ma túy, mua bán người hay tội phạm công nghệ cao, nhiều nhóm nhỏ lẻ tội phạm người nước ngoài cũng đã nhập cảnh vào Việt Nam để gây án, hầu hết dưới hình thức du lịch, học tập, gây một vài vụ án rồi "rút". Trong số các vụ án do loại tội phạm này gây ra, nhiều vụ có tính chất rất manh động, như vụ nhóm đối tượng người Trung Quốc vừa bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử năm 2011 vì đã đột nhập, khống chế bảo vệ một trường ĐH ở Hà Nội, phá két lấy tiền. Chỉ trong vài tháng, nhóm này còn gây ra 5 vụ trộm cắp khác, lấy đi hơn 2,5 tỷ đồng...
Một trong những thủ đoạn tội phạm người nước ngoài "chuộng" trong thời gian qua là lừa đảo, trộm cắp dưới hình thức đổi tiền. Tại Hà Nội, trong tháng 3 này liên tiếp xảy ra nhiều vụ vờ đổi tiền, xem tiền rồi trộm cắp. Điển hình, ngày 8-3, anh Trần Văn D. (SN 1965, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) gặp hai người nước ngoài đi xe ô tô đến hỏi chuyện về giá cả, cách sinh hoạt tại Việt Nam và đổi tiền USD sang tiền VND. Anh D. nhiệt tình lấy bọc tiền ra giải thích. Người nước ngoài cầm đếm thử. Sau khi người này trả lại tiền và bỏ đi, nạn nhân mới biết bị "rút lõi" 51 triệu đồng. Ngày 5-3, chị P. (ở phường Định Công, Hoàng Mai) cũng ''được'' một người nước ngoài nhờ đổi tiền, sau đó phát hiện bị kẻ này trộm 500 USD, 46 triệu đồng và 1 máy tính bảng...
Hợp tác ngăn chặn và nâng cao ý thức tự phòng
Từ năm 1991 đến nay, Interpol Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý hơn 12 nghìn lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, hơn 12 nghìn lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, hơn 6 nghìn lượt tin về tội phạm ma túy, kinh tế... Thực tế, từ sự hợp tác thông tin và nỗ lực riêng, cơ quan CA đã khám phá nhiều vụ phạm pháp liên quan đến người nước ngoài, bắt giữ hàng trăm tội phạm bị nước ngoài truy nã, trong đó nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm.
Nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ CA, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ngày càng phức tạp. Chúng ngày càng mở rộng địa bàn, lợi dụng sự khác nhau về hệ thống pháp luật, sự chênh lệch về trình độ khoa học - công nghệ và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật giữa các nước để phạm tội, nên hậu quả do tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gây ra rất nghiêm trọng. Với loại tội phạm hình sự thông thường do người nước ngoài gây ra cũng không dễ đấu tranh. Nguyên nhân là do nhóm này di động khó lường, thời gian lưu trú ngắn. Nhiều đối tượng tội phạm người nước ngoài móc nối gây án trong nước qua giao dịch điện tử, khó phát hiện, bắt giữ...
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực trao đổi thông tin, chủ động hợp tác trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm người nước ngoài, cơ quan CA mong muốn các tổ chức, đơn vị và người dân chủ động nắm thủ đoạn của tội phạm để phòng ngừa. Trong hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài, các cơ quan, tổ chức trong nước cần chú trọng tìm hiểu thông tin. Người dân cần thận trọng trong các giao dịch với người nước ngoài liên quan đến tiền tệ. Khi thấy có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan CA để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.