Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) là đầu mối duy nhất được tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Các ứng viên tham gia chương trình không phải mất chi phí tuyển chọn, đào tạo và các khoản phí nào khác.
Các điều dưỡng, hộ lý khóa đầu tiên lên đường sang Nhật Bản. (Ảnh: cand.com.vn) |
Ứng viên điều dưỡng được đánh giá cao
Theo ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản – Châu Âu và Đông Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước), triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, từ năm 2012 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 3 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 510 ứng viên, trong đó khóa 1 là 150 người, khóa 2 là 180 người và khóa 3 là 180 người. Mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng là 130.000-140.000 yên/tháng; ứng viên hộ lý là 140.000-150.000 yên/tháng.
Theo thông tin đánh giá từ phía tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế JICWELS (đơn vị đầu mối thuộc Bộ Y tế - Phúc lợi xã hội Nhật Bản tham gia triển khai tiếp nhận) và qua khảo sát, ứng viên điều dưỡng và hộ lý Việt Nam được đào tạo và trang bị kiến thức tốt nên hòa nhập nhanh với cuộc sống và môi trường làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt là ưu thế về ngoại hình và phong tục tập quán gần gũi với người Nhật cũng như thái độ làm việc thân thiện, cởi mở của ứng viên đã được phía cơ sở tiếp nhận đánh giá cao. Các ứng viên của ta nhìn chung là có thu nhập tốt và được các cơ sở tạo điều kiện để bảo đảm cuộc sống sinh hoạt và làm việc lâu dài.
“Việc hai bên phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình sẽ mở ra cơ hội cho nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng có cơ hội học tập và làm việc lâu dài tại Nhật Bản trong tương lai” – ông Vũ Trường Giang nói.
Đánh giá chương trình đưa ứng viên, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả, song ông Bùi Văn Mậu – Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng cho rằng, việc thực hiện hiện nay cũng còn có vướng mắc. Đó là tiêu chuẩn ứng viên điều dưỡng phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh là khó. “Bởi, các em học sinh mới ra trường thì làm gì được cấp chứng chỉ hành nghề” – ông nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Hồng Cương – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa cho rằng, cần có cơ chế từ Bộ Y tế để tạo điều kiện cho các sinh viên đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình.
Ông cũng đề cập tới một vấn đề khác, đó là các trường y tế trong nước đang đào tạo cái mà ta có chứ không đào tạo cái mà họ cần. “Tôi đã sang Nhật tham quan và thấy yêu cầu về chuyên môn của họ so với đào tạo của nước ta thì không cao hơn, ta hoàn toàn có thể đào tạo được”. Ông đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm trung tâm đầu mối cung cấp các tài liệu về đào tạo điều dưỡng để các trường cập nhật và giảng dạy, từ đó có thể rút ngắn thời gian đào tạo ứng viên.
Cũng về nội dung này, đại diện Cao đẳng Y tế Thái Bình bày tỏ “nên nhập khẩu chương trình đào tạo của họ để đào tạo cho sinh viên ta”.
Cảnh giác với các hành vi lừa đảo
Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản đang được người lao động rất quan tâm bởi mức lương khá cao. Thời gian gần đây, có một số tổ chức cá nhân của Nhật Bản thông tin là có thể tuyển chọn đưa điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh trợ lý điều dưỡng, hộ lý để tiến hành tuyển chọn và thu tiền trái phép của người lao động.
Bà Trần Thị Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) khẳng định, đối với chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng như đang triển khai hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất được Bộ giao triển khai thực hiện theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản VJEPA và ứng viên tham gia không phải mất chi phí tuyển chọn, đào tạo và các khoản phí nào khác liên quan tới chương trình hợp tác đưa điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản.
Bà cho biết thêm, hiện nay, nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3 đến 5 năm. Vì vậy, việc đưa thực tập sinh nghề này vào Nhật Bản với thời gian 3 năm là không thể.
Đối với khả năng tiếp nhận dưới 1 năm, mặc dù luật của Nhật Bản không có quy định cấm nhưng cho tới thời điểm hiện tại, chưa có thực tập sinh nước ngoài nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng được tiếp nhận vào Nhật Bản. Như vậy, mặc dù phía Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận nhân lực nước ngoài ngành điều dưỡng, hộ lý nhưng đây là một ngành đặc thù, có liên quan đến sức khỏe con người nên việc xem xét hồ sơ xin tiếp nhận không hề dễ dàng.
Theo bà Trần Thị Vân Hà, vừa qua phía Nhật Bản cũng thông tin cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hiện tại, phía Nhật Bản đang trong giai đoạn xem xét khả năng tiếp nhận thực tập sinh hộ lý nhưng chưa thống nhất được các nội dung cụ thể liên quan tới công tác triển khai tiếp nhận như: trình độ, năng lực chuyên môn của đối tượng tuyển, cơ quan thực hiện quản lý chương trình, nội dung kế hoạch thực tập, nội dung thi thuyển giai đoạn từ thực tập sinh kỹ năng 1 sang thực tập sinh kỹ năng 2... “Vì vậy, đến thời điểm 1/4/2016 việc mở ra tiếp nhận thực tập sinh hộ lý người nước ngoài là điều không dễ” – bà Trần Thị Vân Hà khẳng định.
Về vấn đề này, ông Vũ Trường Giang cũng khẳng định: Hiện tại, ngoài chương trình tuyển điều dưỡng viên đi Nhật Bản làm việc do Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối, thì không có bất cứ chương trình nào tuyển điều dưỡng viên, hộ lý và trợ lý cho điều dưỡng viên, hộ lý được Việt Nam và Nhật Bản cấp phép. Vì vậy, người lao động cần lưu ý với các thông tin lừa đảo.
Cũng theo ông Vũ Trường Giang, thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có các văn bản để thông tin cho các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp phái cử, các cơ sở đào tạo chuyên ngành điều dưỡng về việc trên, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin sai sự thật để tiến hành tuyển chọn và thu tiền trái phép của người lao động./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.