(HNM) - Hoạt động vận chuyển, buôn lậu những mặt hàng thực phẩm bị cấm diễn biến phức tạp, trên cả đường bộ, đường biển và đường hàng không...
Nguồn: Internet |
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) liên tục được phát hiện trên địa bàn Hà Nội. Điển hình là ngày 17-7, công an kiểm tra một kho chứa hàng tại ga Giáp Bát, phát hiện nhiều bao mực khô và thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua xét nghiệm cho thấy, toàn bộ số mực khô này là mực giả. Tiếp đó, ngày 11-8, lực lượng Cảnh sát Môi trường Hà Nội phát hiện ô tô tải chở 400kg lòng lợn đã bốc mùi hôi thối. Nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện rất có thể số hàng sẽ được chế biến thành những món ăn "ngon" trên mâm cơm của các gia đình hay quán nhậu.
Một vụ khác có tính chất tinh vi hơn là việc cơ quan công an bắt Nguyễn Duyên Toàn (SN 1970, hộ khẩu ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm) về hành vi "buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm", thu giữ gần 1.500 hộp ngô hạt trên nhãn ghi xuất xứ từ Mỹ nhưng thực chất là ngô Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ gần 700 tuýp mù tạt xuất xứ Trung Quốc, kèm vỏ hộp ghi… "đóng gói tại Nhật Bản". Công an quận Thanh Xuân cũng vừa kiểm tra một cơ sở chế biến mỡ bẩn tại phố Bùi Xương Trạch (Khương Đình, Thanh Xuân), thu nhiều thùng, túi đựng mỡ nước, mỡ sống và tóp mỡ không bảo đảm vệ sinh…
Nguyên nhân khiến tội phạm, gian thương gia tăng hoạt động trong lĩnh vực này là do lợi nhuận rất lớn. Nguồn hàng mất ATTP cũng dễ kiếm, từ hàng thải loại trôi nổi đến nhập lậu qua biên giới. Trong khi đó, khung hình phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, chủ yếu xử phạt hành chính, không có tính răn đe. Chẳng hạn, với các hành vi mà ai cũng thấy mức độ nguy hại lớn như "sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm", "sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm", "sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào và không bảo đảm ATTP để sản xuất, chế biến thực phẩm", cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính 15-20 triệu đồng. Điều này dẫn đến tình trạng, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng sẵn sàng nộp phạt, sau đó lại tái phạm hoặc dùng thủ đoạn "bỏ của chạy lấy người", mặc cho người vận chuyển chịu trận.
Không phải người tiêu dùng nào cũng "thông thái", chỉ nhìn là biết thực phẩm sạch, hàng bẩn, hàng giả. Vì vậy, rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng thông qua việc ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm về ATVSTP. Nhưng thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm ATVSTP sẽ không xuể, càng không thể triệt để nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, quy định pháp lý không rõ ràng và chế tài xử phạt còn quá nhẹ... Vì vậy, khi hằng ngày, hàng giờ, người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo bên mâm cơm thì cần nhìn nhận vấn đề vi phạm ATVSTP như một mối đe dọa tính mạng, sức khỏe cộng đồng và cao hơn là sức khỏe giống nòi để có biện pháp đấu tranh, xử lý kiên quyết.
Riêng những tháng đầu năm 2014, CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ 416 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP, thu giữ hơn 4.000kg gia cầm, 3.636kg thịt gà đông lạnh, gần 32.000 quả trứng, gần 6.000kg sản phẩm từ động vật, 4.127 tấn thủy sản nhập lậu, hơn 16.000 lít cồn nguyên liệu, 25.000 lít rượu thành phẩm... Số vụ vi phạm về ATVSTP chiếm gần 1/3 số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường. Vi phạm về ATVSTP ngày càng đa dạng, phức tạp, khó lường với những thủ đoạn rất tinh vi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.