(HNMO) - Ngày 24-2, tại Hà Nội, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức lễ tri ân các thầy thuốc y học cổ truyền nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và tọa đàm “Vai trò của dược liệu trong phòng và trị ho”.
Y học cổ truyền Việt Nam với các phương pháp phòng và chữa bệnh đã phục vụ hiệu quả cho việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước hàng đầu thế giới có hệ thống y học cổ truyền phát triển lâu đời và đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trên mạng xã hội Facebook, Youtube xuất hiện tràn lan các video quảng cáo các bài thuốc đông y lừa đảo. Thậm chí, không ít cơ sở đông y hoạt động “chui”, thầy lang “dởm” đua nhau “nổ” về khả năng chữa bệnh khiến nhiều bệnh nhân bị lừa.
Trước thực tế này, bác sĩ Trần Thái Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cho rằng, người thầy thuốc muốn trị bệnh tốt thì phải chẩn đoán bệnh chính xác. Từ đó, đưa ra phương án, bài thuốc điều trị hiệu quả. Các phương pháp điều trị, gồm cả thuốc và các biện pháp không dùng thuốc như: Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh… Với những người tự mua thuốc quảng cáo trên mạng thì ngay từ đầu vào họ đã sai. Sai vì nếu không được chẩn đoán bệnh thì liệu rằng, thuốc họ mua đó có điều trị đúng bệnh không. Nguy hiểm hơn nữa là mua phải những loại thuốc không nguồn gốc, tại những cơ sở không uy tín.
“Cả thuốc đông và tây y, nếu sử dụng tùy tiện đều có những tai biến và tác dụng không mong muốn. Khi dùng thuốc sai, dùng thuốc tùy tiện không theo hướng dẫn của thầy thuốc, sẽ gặp phải các tác dụng không mong muốn. Trước tiên là không điều trị được đúng bệnh, thậm chí sinh ra các phản ứng có hại cho cơ thể”, bác sĩ Trần Thái Hà nói.
Cũng theo bác sĩ Trần Thái Hà, thời điểm giao mùa đông - xuân như hiện nay, nhiệt độ nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao dễ gây ra các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như: Viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, hen phế quản… đều có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Trong các thảo dược y học cổ truyền đều có các tác dụng về mặt dược lý đã được chứng minh về tính kháng khuẩn, kháng vi rút. Ngoài ra, các thuốc y học cổ truyền còn có tác dụng bổ khí, trừ đàm, thanh nhiệt, giải độc…
“Có những bệnh nhân than phiền bị ho có nhiều đàm và sử dụng kháng sinh dài ngày. Tuy nhiên, tình trạng ho và khạc nhiều đàm vẫn kéo dài khiến cơ thể suy nhược kèm theo khó thở. Với những trường hợp này, việc sử dụng các thuốc đông y trị ho sẽ giúp bồi bổ nâng cao thể trạng, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Dù vậy, người dân lưu ý, khi bị bệnh cần được thăm khám bởi các chuyên gia y tế và thầy thuốc. Chính họ mới là người chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh và cơ thể của người bệnh”, bác sĩ Trần Thái Hà khuyến cáo.
Dịp này, Báo Sức khỏe và Đời sống đã tổ chức tri ân các thầy thuốc y học cổ truyền vì những đóng góp cao cả trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Thời gian qua, đội ngũ dược sĩ, y dược học cổ truyền với kiến thức, kinh nghiệm, tài năng và nhiệt huyết, đã không ngừng cống hiến tâm sức, nghiên cứu, bào chế, cải tiến công nghệ sản xuất hiện đại để cho ra đời các sản phẩm phục vụ việc điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người bệnh. Những vất vả, hy sinh của họ luôn được xã hội cổ vũ, tôn vinh và tri ân sâu sắc”, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống Trần Tuấn Linh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.