Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo nguy cơ ''nhập khẩu'' bệnh sốt rét từ châu Phi

Xuân Lộc| 01/06/2022 12:09

(HNMO) - Sáng 1-6, theo tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), tại đây đang điều trị cho hai bệnh nhân sốt rét sau khi trở về từ Angola.

Điều đáng nói là trong những năm qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam được kiểm soát khá thành công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt rét đi từ châu Phi về, nên gọi là sốt rét “nhập khẩu”. Nguyên nhân là do sau khi khôi phục lại các đường bay, kéo theo số lượng người Việt Nam đi lao động, công tác tại châu Phi…, đặc biệt là Angola, trở về nước gia tăng.

 Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Làm việc và sinh sống tại Angola đến nay đã được 12 năm, cách đây 1 tuần, bệnh nhân Nguyễn Đình Th (38 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) trở về Việt Nam. Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, kèm theo đau đầu. Tình trạng sốt tập trung chủ yếu vào buổi chiều, ngày bình thường có 2 cơn sốt, kèm tiểu buốt, đại tiện phân lỏng.

Sau đó, bệnh nhân Th đến khám tại một cơ sở y tế gần nhà nhưng không phát hiện ra bệnh. Vì vậy, bệnh nhân đã đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng nặng, sau đó được chuyển tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). 

Sau khi khai thác yếu tố dịch tễ kết hợp xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện ra ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong máu của bệnh nhân.

Trường hợp thứ hai là sản phụ H (32 tuổi, ở Hà Nội), mang thai tháng thứ 6. Chị H đi lao động tại Angola được 8 năm và từng bị sốt rét vào năm 2021. Sau khi trở về Việt Nam được ít ngày, chị xuất hiện sốt cao, rét run thành cơn, chủ yếu sốt về chiều tối. 

Khi những cơn sốt kèm theo nôn và đau đầu tăng dần lên, chị H đã đi khám tại phòng khám tư. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương làm xét nghiệm và được chẩn đoán mắc sốt rét. Do có thai và kèm bệnh lý hạ tiểu cầu cần theo dõi nên chị H được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). 

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3-5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi...) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng.

Do các triệu chứng sốt rét không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, hay nhiễm trùng tiết niệu… nên nếu không dựa vào yếu tố dịch tễ của bệnh nhân thì sẽ dễ bỏ lọt bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo nguy cơ ''nhập khẩu'' bệnh sốt rét từ châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.