(HNM) - Libya vừa hoàn tất cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên tại nước này kể từ năm 1964, dưới thời vua Idris, người bị Đại tá Muammar Gaddafi lật đổ 5 năm sau đó. Chỉ có khoảng 1,6 triệu cử tri (chiếm 60%) tham gia cuộc bỏ phiếu trong ngày 7-7, để chọn ra 200 ghế cho quốc hội mới.
Theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử Nuri Al-Abbar, cuộc bầu cử đã diễn ra suôn sẻ; chỉ có 24 trên tổng số 1.554 điểm bỏ phiếu không thể mở cửa do các hành vi phá hoại và khoảng 100 điểm bỏ phiếu đã không mở cửa đúng giờ "vì các lý do an ninh". Tuy nhiên, theo các nguồn tin tại chỗ, ngày bầu cử bị bao phủ bởi "bóng đen" bạo lực là một cảnh báo về tương lai ảm đạm của quốc gia Trung Đông này.
Người dân
Tại thành phố Benghazi, lớn thứ hai Libya, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã đồng loạt tấn công một số điểm bầu cử. Trong khi đó, cử tri tại khu vực Oasis, Jalo-Aojalla-Jakhirra, ở miền Đông đã không thể đi bỏ phiếu đúng ngày 7-7 do các máy bay chở tài liệu, trang thiết bị phục vụ bầu cử bị người biểu tình giữ lại tại sân bay Zawitina để đòi hỏi thêm ghế trong quốc hội. Một ngày trước khi diễn ra sự kiện chính trị quan trọng này, một nhân viên bầu cử Libya đã thiệt mạng khi các tay súng bắn vào một máy bay trực thăng vận chuyển các hòm phiếu qua khu vực Hawari, phía nam thành phố Benghazi. Cũng trong ngày 6-7, hai quả rocket đã nã trúng Trung tâm Y tế Benghazi. Trước đó, Văn phòng Ủy ban bầu cử ở Benghazi cũng đã bị tấn công, trong khi một kho đựng tài liệu và trang thiết bị bầu cử ở thành phố Ajdabiya, miền Tây bị phóng hỏa...
Những gì đang diễn ra khiến sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế vào cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên sau gần nửa thế kỷ như một bước tiến quan trọng trên con đường hướng tới dân chủ, sau khi nhà lãnh đạo M. Gaddafi bị lật đổ và sát hại ngày 20-10-2011, trở nên huyễn hoặc. Tất cả đã phản ánh thực chất sự bất đồng còn dai dẳng trong nội bộ quốc gia này và cuộc bầu cử quốc hội là một "kiểm chứng" sống động.
Tham gia cuộc đua tranh 200 ghế trong quốc hội mới ở Libya có tới 374 đảng phái; 3.700 ứng cử viên, trong đó có hơn 600 ứng cử viên nữ. Thành phần của quốc hội đã được thảo luận rất nhiều trong thời gian qua. Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) cho biết, các ghế được phân bổ theo số dân các khu vực. Theo đó, 100 ghế thuộc về miền Tây, 60 ghế trao cho miền Đông và 40 ghế là của miền Nam. Nhưng, các phe phái ở miền Đông lại muốn số ghế phải được chia công bằng giữa các miền và tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử nếu yêu cầu này không được đáp ứng. Và họ đã thực hiện tuyên bố ngay trong ngày bỏ phiếu (7-7). Thêm vào đó, cuộc bầu cử áp dụng một hệ thống bỏ phiếu mà các ứng cử viên được ghi danh theo danh sách đảng và được chọn theo tỷ lệ đại diện cho 80 ghế trong quốc hội, trong khi 2.639 ứng cử viên độc lập được chọn theo đa số quá bán để vào các ghế còn lại đã bị một số đảng phái phản đối. Trong số 374 đảng phái tham gia tranh cử lần này, liên minh của cựu Thủ tướng Mahmud Jibril được xem là đối thủ sáng giá trong số các đảng tự do, trong cuộc ganh đua khốc liệt với hai đảng Hồi giáo là đảng Công lý và Phát triển và đảng Al-Wattan. Quốc hội mới sẽ phải bổ nhiệm một chính phủ lâm thời, nhưng không được quyền chỉ định một ủy ban lập hiến vì NTC đã ra quyết định này vào phút chót. Theo đó thành viên ủy ban này sẽ do người dân bầu trực tiếp.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Libya dự kiến được công bố vào hôm nay hoặc chậm nhất trong 24 giờ tới. Trước Libya, các cuộc bầu cử ở Tuynidi và Ai Cập - hai nước cũng vừa trải qua làn sóng biểu tình chống chính phủ - đã đưa các đảng Hồi giáo lên nắm quyền và tình hình ở hai quốc gia này đến nay vẫn đầy biến động. Thành phần của Quốc hội mới ở Libya được cho là rất khó dự đoán. Điều này dự báo một tương lai chính trị không mấy sáng sủa tại quốc gia Trung Đông. Sự bất đồng và cuộc tranh giành quyền lực mới giữa các phe phái sau cuộc lật đổ gây chấn động thế giới đang khiến hành trình hướng tới nền dân chủ của Libya vẫn rất xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.