(HNMO) - Ngày 16-11, Công an thành phố Hà Nội cho biết, sau tem giấy, bùa lưỡi…, gần đây trên thế giới và Việt Nam xuất hiện ma túy “núp bóng” dưới dạng đồ uống, thực phẩm như: Nước vui, nước xoài, nước nho, trà chanh, socola…
Được biết, thực phẩm (các loại bánh, kẹo) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép ở một số nước trên thế giới, với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.
Trong thời gian qua, các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Đối tượng mua kẹo từ siêu thị ở Mỹ mang về cho người thân sử dụng nhưng không nói rõ là có chứa chất ma túy. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn, dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng…
Ngoài ra, có thể kể đến vụ sử dụng socola nhãn hiệu Chill Max có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25-8-2022 của Chính phủ) tại huyện Đông Anh, Hà Nội (tháng 6-2022).
Nhiều loại ma túy tổng hợp “mới xuất hiện” được các đối tượng tẩm vào thảo mộc rồi đóng gói dưới dạng “điếu thuốc lá” (tiếng “lóng” là thuốc lá thơm, hoặc thuốc lá tobacco) có nhãn hiệu như: Amsterdam, Dominix... Đáng lưu ý, một số loại được sản xuất và đóng gói dạng sợi thuốc lá cuốn nhưng được ngụy trang bằng nhãn hiệu thuốc lá bình thường như Marlboro… Ngoài ra, một số loại không đóng nhãn mác nhưng đóng túi như gói thuốc lào bình thường. Về cảm quan thông thường, không phân biệt được những loại thảo mộc tẩm ma túy này với thuốc lá hoặc thuốc lào.
Tháng 9-2022, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra, khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội (Zalo, Telegram…) liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship cod, phần mềm… với mặt hàng thực chất là ma túy tẩm trong thuốc lá điện tử, thảo mộc.
Điều đáng nói, nhìn bề ngoài bao bì sản phẩm thì hầu hết mọi người đều cho rằng đây là gói nước uống giải khát, bánh kẹo, thuốc lá thông thường chứ không phải ma túy. Người dùng cũng không cần dụng cụ mà có thể sử dụng ở bất cứ đâu, không cần kín đáo, che giấu. Vì vậy, ma túy tổng hợp dễ dàng xâm nhập vào học đường, khu vui chơi, quán bar… với tác hại khôn lường mà cơ quan chức năng khó phát hiện, ngăn chặn.
Do đó, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn pha trộn ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc tại địa bàn Thủ đô, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị:
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma tuý, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn nhằm cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh và giới trẻ cũng như toàn xã hội về tác hại của các loại ma túy “núp bóng”.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hoá là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng. Phối hợp với các đoàn thể xã hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phòng ngừa tệ nạn xã hội và tội phạm về ma túy…
Chủ động rà soát, phối hợp lực lượng Công an cơ sở phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy nói chung, ma túy dưới dạng pha trộn thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc… nói riêng.
Bên cạnh công tác điều tra, xử lý của cơ quan pháp luật thì người dân cần biết để phân biệt và giúp con em tránh xa những thứ ma túy ngụy trang tinh vi này.
Đối với gia đình: Cần quan tâm sát sao, lắng nghe tâm tư của con trẻ, đồng hành chia sẻ, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của con, cùng trao đổi với thầy cô, nói chuyện với bạn bè của con để biết con có liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội khác không, từ đó có biện pháp phòng ngừa.
Ngoài ra, cần kiểm soát thực phẩm, đồ uống của con em mình, không để trẻ sử dụng các loại thực phẩm đồ uống không rõ nguồn gốc; luôn cảnh báo tác hại của ma túy cho trẻ và báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất nếu thấy nghi vấn về hành vi mua bán các loại thực phẩm, đồ uống có chứa chất ma túy.
Đối với nhà trường, thầy cô và bạn bè: Quan tâm định hướng sự phát triển tâm lý, nhận thức của trẻ, nhất là với ngưỡng cửa thời kỳ trưởng thành của trẻ; thường xuyên xây dựng chương trình ngoại khóa tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ dưới mái trường an toàn, qua các chương trình tuyên truyền cho các con điều hay lẽ phải, nhận thức rõ về các vi phạm pháp luật, nhất là ma túy. Thầy cô cần chú trọng quan sát, đồng hành cùng học trò kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ để cùng gia đình tìm hiểu nguyên nhân. Các học sinh quan tâm tới bạn bè, không thờ ơ, không dửng dưng hay xa lánh khi thấy bạn có biểu hiện xa lánh, cần nói chuyện cùng bạn, để chia sẻ tâm lý và kịp thời thông báo cho thầy cô, bố mẹ bạn khi có phát hiện liên quan đến ma túy.
Đối với các em học sinh cần: Sống trong sáng, lành mạnh, không tiêu xài hoang phí, đua đòi. Tích cực tìm hiểu thông tin về tác hại, hậu quả của ma túy. Không tụ tập với người xấu, tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tham gia ngoại khóa của nhà trường…. Không nhận tiền, quà, vật có giá trị của người khác mà không rõ lý do, trong trường hợp người quen nhận chuyển đồ, hàng hóa, cần hỏi rõ loại hàng và địa điểm chuyển đi đâu, tốt nhất hỏi ý kiến cha mẹ, người thân trước khi nhận lời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.