(HNM) - Lợi dụng nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc ngày một lớn của người lao động, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chào mời dưới hình thức khác nhau như: Visa thương mại, du học vừa học vừa làm... Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là thông tin lừa đảo, người lao động rất dễ gặp rủi ro nên phải cảnh giác.
Nhiều lao động bị mất tiền oan
Từ năm 2004, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại nước bạn theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS).
Hiện tại chỉ có 4 hình thức đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc: Chương trình cấp phép việc làm (chương trình EPS, visa E9); chương trình thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá; chương trình lao động kỹ thuật cao (visa E7); chương trình thí điểm đưa lao động thời vụ 3 tháng.
Theo đó, chỉ có Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH) là đơn vị được phép tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Hàn và tiến hành các thủ tục đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Các doanh nghiệp không được trực tiếp đưa lao động sang nước này.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng việc đưa người đi lao động ở Hàn Quốc để lừa đảo. Đơn cử như cuối tháng 1-2019, cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt tạm giam đối tượng Lê Thị Hồng Lý (quận Bắc Từ Liêm) để điều tra về hành vi lừa đảo, thu tiền môi giới của 10 người, chiếm đoạt hơn 460 triệu đồng và 38.500 USD để sang Hàn Quốc làm việc.
Rồi ngày 25-4-2019, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên phạt Nguyễn Thanh Hải, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Hải đã lừa đảo để đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc với giá từ 55 đến 70 triệu đồng/hồ sơ. Từ năm 2014 đến năm 2016, Hải đã lừa đảo 19 người, chiếm đoạt 667 triệu đồng.
Mới đây, bà L.T. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc bà đăng ký cho cháu đi lao động ở Hàn Quốc qua Công ty VietBright, Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm từ tháng 3-2018 bằng visa thương mại (30 ngày). Công ty hứa sau khi lao động sang Hàn Quốc sẽ chuyển thành visa lao động. Tin tưởng, bà L.T. đã nộp 500 triệu đồng và 13.000 USD.
Tuy nhiên, một năm qua cháu bà vẫn ở nhà và sau nhiều lần đòi nợ, công ty vẫn nợ bà 200 triệu đồng và 3.000 USD. Tiếp nhận thông tin này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đồng, Trưởng ban Kiểm soát, Công ty cổ phần VietBrigth và được biết, công ty đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là được sự cấp phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp giấy phép thì ông Nguyễn Tiến Đồng không xuất trình được (?).
Ông Nguyễn Đức Vỹ, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thông tin cảnh báo về thị trường Hàn Quốc rất rõ ràng nhưng nhiều lao động vẫn bị mất tiền oan. Người lao động thường ít khi tố giác với chính quyền sở tại.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng chỉ được tiến hành thanh tra, kiểm tra tại mỗi doanh nghiệp không quá một lần/năm. Vì vậy, khi thấy nghi ngờ - người lao động cần tố giác ngay với chính quyền sở tại hoặc sở LĐ-TB&XH địa phương để tiến hành kiểm tra đột xuất, nhanh chóng phát hiện lừa đảo.
Cần tránh "bẫy" lừa đảo
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty VietBrigth và bất cứ doanh nghiệp nào khác đều không được Cục cấp phép đưa lao động sang thị trường Hàn Quốc. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Sau khi tiếp nhận được thông tin trên, cuối tháng 5-2019, Cục đã hoàn tất hồ sơ Công ty VietBrigth, chuyển tới cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mỗi năm Việt Nam đưa hơn 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với mức lương cao, từ 35 đến 60 triệu đồng/tháng. Lao động phải học tiếng Hàn và trải qua một kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn rất khắt khe, có sự giám sát của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, lực lượng công an, cơ quan Hàn Quốc. Lao động vi phạm quy chế thi sẽ bị cấm thi trong 3 năm tiếp theo.
Đặc biệt, từ năm 2019, lao động sẽ phải đạt yêu cầu 2 vòng thi: Thi năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK) và kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực, mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức số vụ lừa đảo đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Vì thế, giải pháp tối ưu hiện nay là Cục gửi công văn đề nghị các sở LĐ-TB&XH kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng nhưng lại môi giới, tổ chức đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan công an điều tra. Đồng thời, cảnh báo cho người lao động để tránh bị lừa đảo.
Ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường nắm bắt rõ về thị trường Hàn Quốc nên không có hiện tượng tuyển dụng trá hình. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thời gian qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và thanh tra các sở LĐ-TB&XH thường xuyên tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra định kỳ và thanh tra bất thường khi nhận được thông tin phản ánh của công dân.
Tuy nhiên, những giải pháp trên vẫn khó ngăn chặn triệt để. Vì vậy, người lao động cần kiểm tra thông tin từ sở LĐ-TB&XH hoặc liên hệ với đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0988200599 để tránh "bẫy" lừa đảo của các công ty môi giới trái phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.