Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo cha mẹ khi cho trẻ dùng thuốc cam

Theo Báo điện tử ĐCSVN| 12/04/2012 15:33

Từ đầu năm đến nay, riêng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có hơn 130 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc đông y với biểu hiện co giật, hôn mê, thiếu máu. Bệnh đều bắt nguồn từ việc các ông bố, bà mẹ cho trẻ sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường.


Thống kê của Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cũng cho thấy, trẻ ngộ độc chì phải nhập viện điều trị đều liên quan đến việc dùng thuốc cam và các sản phẩm tương tự ở dạng bột hoặc viên. Những thuốc này thường có màu cam hoặc nâu đỏ, không có tên, nhãn và được bao gói bằng giấy hoặc túi nylon, dùng để bôi vào niêm mạc miệng hoặc uống chữa tưa lưỡi. Các sản phẩm này được bệnh nhân sử dụng và mua từ những người bán rong, từ chợ quê hoặc từ người hành nghề y dược cổ truyền không được cấp phép ở các địa phuơng, đây là sản phẩm có hàm lượng chì cao 21 - 60% là kim loại rất độc.

Thuốc cam chứa hàm lượng chì cao khiến nhiều trẻ ngộ độc. (Ảnh: Nam Phương)


Thuốc cam là tên gọi dân dã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong... Bài thuốc này gồm nhiều loại dược liệu, trong đó thành phần chính là tinh dầu cây chàm. Ở miền Bắc, thuốc cam được sử dụng khá phổ biến, thường do các cơ sở gia truyền bào chế. Tại các diễn đàn trên mạng về chăm sóc trẻ như webtretho.com, lamchame.com, nhiều ông bố, bà mẹ cũng chia sẻ với nhau về cách dùng, địa chỉ mua thuốc cam chữa bệnh cho con.

Chị Hoàng Thị Ca (Lục Nam, Bắc Giang), mẹ của cháu Duy bị ngộ độc loại thuốc này cho biết, do con bị nhiệt miệng nên chị mua loại thuốc cam của bà lang Tiến gần nhà để bôi cho con. Trong xóm cũng nhiều người mua thuốc ở đó để bôi. Tuần trước cháu bị co giật, gia đình đưa đi bệnh viện khám mới biết cháu bị nhiễm độc chì ở máu, xương và não được 10 tháng. Kết quả cho thấy mẫu máu có hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn 6 lần hàm lượng cho phép ở trẻ là 15 mg/dL.

Theo lời kể của chị Ca, ở quê chị, có tới 80% các cháu nhỏ có những biểu hiện giống con chị và gia đình nào có con nhỏ cũng mua thuốc cam cho uống để hay ăn, chóng lớn, tránh sài...

Một trường hợp khác, chị Đoàn Minh Xuân (Ba Đình, Hà Nội), người đang chăm sóc con gái 16 tuổi bị di chứng ngộ độc chì tại nhà, chia sẻ: “Khi cháu 4 tuổi, cháu bị sốt cao, co giật. Có người mách ông lang Giáp ở Hà Tây có thuốc tốt nên tôi mua cho con uống. Cháu uống khoảng 3 tháng thì người yếu dần, da xanh mướt, tay chân mềm, không đứng ngồi được, không có phản xạ ăn uống, không nhận ra người thân, chỉ la hét. Xét nghiệm khi đó xác định, cháu ngộ độc chì nặng gấp 60 lần mức cho phép, gây thiếu máu nặng. Chì đã nhiễm vào xương, não. Bệnh viện đã tìm mọi cách để giải độc chì ra khỏi xương nên cháu không bị ảnh hưởng đến chiều cao nhưng tư duy thì chậm, 16 tuổi nhưng trí tuệ thì chỉ bằng các bé tiểu học”.

Theo các bác sĩ, trước đây những ca ngộ độc chì vẫn ghi nhận rải rác trong năm, nhưng chưa năm nào tình trạng trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam lại bùng phát đến mức báo động như hiện nay. Có những đợt tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ phải nằm ghép 2-3 trẻ một giường. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, riêng tại Trung tâm này đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 130 trẻ bị ngộ độc chì.

Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, thậm chí cả trẻ 1 tháng tuổi cũng bị bệnh. Nhiều nhất là trẻ ở Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa...

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì con số này còn rất ít so với thực tế và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là ở xã nào, huyện nào, đâu đâu cũng có ông bà lang bán thuốc cam dạo, tự xưng là thuốc gia truyền. Trong khi thói quen sử dụng thuốc cam với tâm lý của người dân là để hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh và dùng để chữa bệnh lại khá phổ biến.

Tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, chì là một chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ... khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh.

Điều đáng nói là việc điều trị có thể kéo dài hàng năm trời, nhưng những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục được, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Vì thế, Tiến sĩ Duệ khuyến cáo các bậc cha mẹ cần hết sức thận trọng khi cho con dùng thuốc cam, đặc biệt là thuốc mua của những người bán rong, thuốc mẹt, thuốc chữa bách bệnh. Các loại thuốc này không được kiểm nghiệm, không rõ thành phần, thậm chí không biết nguồn gốc.

Đối với những trẻ đã sử dụng loại thuốc này, cha mẹ nên đưa trẻ đi xét nghiệm máu xem có ngộ độc chì không để được giải độc sớm, tránh trường hợp để lâu ngày hoặc sử dụng một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến mặt thể chất và trí tuệ của trẻ.

Đây cũng là lời cảnh báo đến người dân cần tuyệt đối tuân thủ an toàn trong dùng thuốc: Người bệnh cần khám chữa bệnh ở những địa chỉ tin cậy, đã được cấp phép hành nghề của Sở Y tế hay Bộ Y tế. Nếu là bài thuốc gia truyền cũng phải được Sở Y tế hay Bộ Y tế cấp phép sản xuất lưu hành.

Trước thực tế nhiều trẻ nhập viện vì ngộ độc chì do thuốc cam, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế 63 tỉnh, thành tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y học cổ truyền, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm tra chì. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội.

Tại Bắc Giang, tỉnh có nhiều trẻ ngộ độc chì, cơ quan chức năng đã lấy các mẫu thuốc bột ở một cơ sở hành nghề không phép thuộc xã Tam Do, huyện Lục Nam. Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả các mẫu trên đều nhiễm chì với nồng độ lên đến 1-4,3 mcg/g. Ngoài ra, có 2 mẫu còn nhiễm kim loại Asen (As) - thạch tín - với nồng độ 0,3 - 2,7mcg/g.

Tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng phát hiện 3 cơ sở bán thuốc bột có chứa chì, gồm: cơ sở của ông Nguyễn Văn Trân (cụm 6, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ), cơ sở của bà Lê Thị Sói (chợ Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) và cơ sở của bà Đặng Thị Tình (chợ Chằm, xã Minh Đức, huyện Phú Xuyên).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo cha mẹ khi cho trẻ dùng thuốc cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.