(HNM) - Đúng ngày kỷ niệm 67 năm phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai (15-8) - một ngày được cho là khá nhạy cảm với khu vực Đông Bắc Á - quan hệ giữa hai cường quốc trong khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản lại rơi vào căng thẳng...
Ngọn lửa âm ỉ bấy lâu liên quan đến chủ quyền quần đảo tranh chấp này bùng phát mạnh sau ngày 15-8 vừa qua khi Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Hongkong (Trung Quốc) với lý do "tình nghi xâm nhập trái phép" lãnh hải Nhật Bản. Thông báo mới nhất của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 7 trong tổng số 14 người thuộc nhóm các nhà hoạt động của "Ủy ban hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư" đã bất chấp nhiều cảnh báo từ phía Nhật Bản, cố tình đổ bộ lên một đảo trong chuỗi đảo không có người ở thuộc tỉnh Okinawa của Nhật Bản mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa đến để chuyển công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh. Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố với báo giới rằng sẽ xử lý nghiêm vụ này theo quy định của pháp luật, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cũng lên tiếng khẳng định JCG đã tuân thủ phương châm đối phó của chính phủ khi những nhà hoạt động Hongkong này cố ý lên đảo, bất chấp ba lần cảnh cáo từ phía lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
"Ăn miếng trả miếng", ngay lập tức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Uichiro Niwa đến để phản đối vụ bắt giữ khi cho đây là "hành động bất hợp pháp". Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi yêu cầu Nhật Bản bảo đảm an toàn cho các công dân Trung Quốc và trả tự do cho họ mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào.
Vụ bắt giữ 14 nhà hoạt động Hongkong diễn ra chưa đầy một tuần sau khi tàu tuần duyên Rush của Mỹ truy bắt một tàu cá Trung Quốc vì đã đánh bắt 40 tấn cá bằng loại lưới bị cấm trên biển Thái Bình Dương mà không có giấy phép đăng ký. Với "sự cố đáng tiếc" trong quan hệ Trung - Nhật, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland lên tiếng khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, bà Victoria Nuland cho rằng mọi hành động khiêu khích gây sức ép trong bối cảnh hiện nay đều không có lợi cho cả đôi bên.
Khu vực Đông Bắc Á một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận thế giới khi tranh cãi trong quan hệ Nhật - Hàn về chủ quyền quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) chưa có hồi kết, nay lại đến tranh cãi về chủ quyền quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh tranh cãi liên quan đến chủ quyền biển đảo ngày một gia tăng trong khu vực, việc tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) ra đời năm 1982 là điều được nhiều quốc gia có lợi ích liên quan nhắc tới.
Không phải lần đầu tiên quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tình hình đã trở nên phức tạp hơn sau khi Thủ tướng Y.Noda cho biết Tokyo dự tính đầu tư ngân sách mua lại quần đảo tranh chấp này từ sở hữu tư nhân của các công dân Nhật Bản để "tăng cường khả năng phòng thủ đất nước". Song, với nhiều lợi ích ràng buộc, chắc chắn hai đầu tàu kinh tế thế giới không thể để những tranh chấp nhỏ ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hai nước. Như vậy, UNCLOS sẽ là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để hai bên giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.