(HNM) - Nội các Chính phủ Canada lại vừa hứng chịu thêm một cú sốc mới khi Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Jane Philpott bất ngờ đệ đơn từ chức.
Sự việc diễn ra chỉ một tháng sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould đưa ra quyết định tương tự khiến bầu không khí trên chính trường ở xứ sở Lá phong thêm căng thẳng, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang đang tới gần.
Lý do Chủ tịch Ủy ban Ngân khố J.Philpott nêu ra trong đơn từ chức gửi tới Thủ tướng Canada Justin Trudeau là sự thất vọng đối với cách chính phủ đối xử với cựu Bộ trưởng Tư pháp J.Wilson-Raybould để giúp cho Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SNC-Lavalin Group Inc tránh bị xét xử về tội hối lộ trong vụ kiện liên quan đến cáo buộc tham nhũng ở Libya. SNC-Lavalin là một trong những doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ nhất từ Cơ quan Phát triển xuất khẩu của Chính phủ Canada (EDC) và có quy mô lên tới 50.000 nhân lực trên toàn thế giới. Từ năm 2015, công ty có trụ sở tại Quebec này bị cáo buộc có hành vi gian lận và đã trả 47,7 triệu CAD để hối lộ các quan chức Libya nhằm giành được các hợp đồng tại đất nước Bắc Phi trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2011.
Việc Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Canada J.Philpott từ chức là một cú giáng mạnh vào uy tín của Thủ tướng J.Trudeau. |
Theo những gì thời báo The Globe and Mail đăng tải gần đây, Thủ tướng J.Trudeau và các quan chức đã gây sức ép lên bà J.Wilson-Raybould để vận dụng một điều luật mới được thiết lập nhằm giúp hành động sai trái của Công ty SNC-Lavalin không bị xét xử. Tháng 1-2019, bà J.Wilson-Raybould đã bị ông J.Trudeau thuyên chuyển từ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp và Tổng Chưởng lý sang làm Bộ trưởng Cựu chiến binh. Phản ứng trước quyết định này, ngày 12-2, bà J.Wilson-Raybould đã từ chức.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện, nữ chính trị gia này cho rằng, 11 quan chức cấp cao chính phủ, trong đó có 2 lãnh đạo hàng đầu trong nội các của Thủ tướng J.Trudeau, đã liên tục gây sức ép để buộc bà phải từ bỏ cuộc điều tra hình sự chống lại Công ty SNC-Lavalin. Thay vào đó, công ty này chỉ phải trả một khoản tiền phạt. Chính vì những cáo buộc của bà J.Wilson-Raybould, cố vấn thân cận và là người bạn thân nhất của Thủ tướng J.Trudeau, ông Gerald Butts đã buộc phải từ nhiệm. Chính trị gia này vốn luôn được đánh giá là một trong những nhân vật góp phần quan trọng vào chiến thắng của ông J.Trudeau trong cuộc bầu cử năm 2015.
Hiện tại, vụ việc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của đương kim Thủ tướng Canada. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, 41% những người được hỏi cho rằng ông J.Trudeau đã hành động không đúng trong vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin và cựu Bộ trưởng Tư pháp J.Wilson-Raybould. Đáng chú ý, trong nhóm cử tri ủng hộ đảng Tự do cầm quyền, 10% tin rằng nhà lãnh đạo 47 tuổi đã sai. Con số này trong nhóm cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ đối lập lên tới 66%. Đây được cho là một “bước lùi” của Thủ tướng J.Trudeau kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 11-2015 với lời hứa hẹn về gia tăng sự minh bạch và bình đẳng giới trong nội các Canada.
Nhiều nghị sĩ cho rằng, chính phủ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, giáng một đòn mạnh vào sự độc lập của hệ thống tư pháp quốc gia này. Lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Andrew Scheer nhận định, quyết định từ chức của bà J.Philpott cho thấy nội các Canada đang đứng trước những khoảng trống đầy thách thức về nhân sự, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Thủ tướng J.Trudeau từ chức. Trong khi đó, lãnh đạo các đảng chính trị khác đề nghị điều tra sâu rộng hơn về vụ việc.
Mặc dù nhiều bộ trưởng nội các vẫn khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với Thủ tướng J.Trudeau nhưng trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang chỉ còn 7 tháng nữa, nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong lịch sử Canada sẽ phải làm rất nhiều việc để khôi phục tín nhiệm và củng cố lòng tin ở nội bộ đảng Tự do cầm quyền. Đây được cho là “phép thử” lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng J.Trudeau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.