Thế giới

Căng thẳng ở Biển Đỏ: Nguy cơ khủng hoảng vận tải quốc tế

Hoàng Linh 23/12/2023 - 06:31

Một cuộc khủng hoảng mới đang nhen nhóm tại Biển Đỏ - một trong những cung đường thương mại huyết mạch của thế giới, có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng cũng như đẩy giá dầu và lạm phát lên cao, ở thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc.

galaxy-leader.jpg
Tàu Galaxy Leader thuộc sở hữu một doanh nhân Israel bị lực lượng Houthi kiểm soát trên đường di chuyển.

Căng thẳng tại Biển Đỏ - tuyến hàng hải quan trọng chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu - vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu trong bối cảnh Houthi mới đây phát đi cảnh báo sẽ mở rộng mục tiêu tấn công trong khu vực, nếu Mỹ tiến hành chiến dịch chống lại lực lượng này.

Động thái nêu trên diễn ra ngay sau khi Washington thông báo lập liên minh gồm nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha…, để ứng phó với các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng qua Biển Đỏ; đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Houthi, kiểm soát phần lớn khu vực bờ Biển Đỏ của Yemen, tự xem mình là một phần trong “trục kháng chiến” nhằm vào Israel. Lực lượng này đã tấn công tàu thuyền trên tuyến đường vận tải quan trọng, đồng thời phóng máy bay không người lái, tên lửa vào Israel từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7-10 vừa qua. Tiếp đó, Houthi tấn công hai tàu “có liên hệ với Israel” vào ngày 18-12, đồng thời tuyên bố “tiếp tục ngăn mọi tàu thuyền di chuyển ở khu vực Arab và Biển Đỏ hướng đến các cảng Israel” cho đến khi người dân ở Gaza được viện trợ thêm thuốc men và thực phẩm.

Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thương mại gia tăng khiến 4 trong số những công ty vận tải biển lớn nhất thế giới (bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC) dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ. Nhiều tàu vận tải chọn tuyến đường tránh qua Mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi, dù điều này làm gia tăng đáng kể chi phí vận tải và kéo dài thời gian vận chuyển. Theo Hãng Ô tô Đức Volkswagen, việc tàu vận tải không đi qua Biển Đỏ khiến các lô hàng của hãng mất thêm 2 tuần để đến đích. Trong khi đó, nhà bán lẻ nội thất IKEA của Thụy Điển cho biết, nguồn cung nhiều loại sản phẩm bị ảnh hưởng.

Tuyến đường qua Biển Đỏ cũng là tuyến giao thông nối liền với kênh đào Suez, điều này đồng nghĩa những chuyến tàu "né" Biển Đỏ cũng phải tránh cả tuyến đường trọng yếu qua kênh đào Suez, dù đây là tuyến hàng hải huyết mạch của khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container. Bên cạnh đó, chi phí bảo hiểm rủi ro cho mỗi chuyến hàng cũng bị đội lên đáng kể.

Một nguồn tin của Reuters xác nhận, phí bảo hiểm rủi ro xung đột cho các chuyến tàu qua khu vực Biển Đỏ đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, nhiều chuyên gia vận tải nhận định, sự xáo trộn trong hành trình có thể dẫn đến tình trạng “các con tàu ở sai vị trí, các container được đặt sai vị trí”, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.

Bên cạnh vấn đề với tuyến vận tải, một trong những quan ngại lớn hơn là việc giá dầu tăng do nhu cầu tăng khi những tuyến vận chuyển kéo dài và rủi ro đối với những tàu chuyên chở. Đơn cử là ngày 18-12, giá dầu thô đã tăng thêm gần 2% sau khi một tàu thuộc sở hữu của Na Uy bị tấn công và Tập đoàn Dầu khí BP thông báo tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ.

Giám đốc điều hành Rob Thummel của Công ty Đầu tư năng lượng Tortoise Capital (Mỹ) đánh giá, các sự kiện ở Biển Đỏ đang khiến giá dầu tăng cao hơn khi nhà giao dịch đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung gắn liền với rủi ro địa chính trị ngày càng tăng. Một số quan điểm cho rằng, nếu “khủng hoảng Biển Đỏ” chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy điều gì, có thể ngoại trừ giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn sẽ khiến lạm phát tăng khó kiểm soát.

Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đỏ và những rủi ro hiển hiện về mặt kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia, trong đó có Yemen, đã đưa ra tuyên bố chung lên án “sự can thiệp của Houthi vào các quyền và tự do hàng hải”.

Lãnh đạo một số nước, trong đó có Anh, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm hoạt động vận tải biển thông suốt trên tuyến đường này, thậm chí tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp “tự bảo vệ mình” nếu cần thiết - động thái được cho là có thể dẫn đến nhiều phức tạp lan truyền trong khu vực.

Rõ ràng, những diễn biến mới tại Biển Đỏ đang “đổ dầu vào lửa” bên cạnh hàng loạt rắc rối mà thế giới đang phải đối mặt. Nếu các bên liên quan không thể tìm được tiếng nói chung, nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm gánh nặng và những làn sóng bất ổn mới khi bước sang năm mới 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng ở Biển Đỏ: Nguy cơ khủng hoảng vận tải quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.