(HNM) - Những ngày qua, căng thẳng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria leo thang với nhiều hoạt động quân sự càng khiến quan hệ hai bên
Ngày 14-10, Ankara đã quyết định đóng cửa không phận với các chuyến bay dân sự của Syria. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, lý do được đưa ra là chính quyền Damascus đã "lợi dụng" các chuyến bay dân sự để vận chuyển trang thiết bị quân sự. Trước đó, ngày 10-10, hai máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ép một máy bay của hãng hàng không quốc gia Syria trên hành trình từ Mátxcơva (Nga) tới Damascus phải hạ cánh xuống sân bay tại Ankara. Các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu một số hàng hóa mà nước này cho rằng là "trang thiết bị quân sự". Syria và Nga đều bác bỏ cáo buộc này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 12-10 cho biết, hàng hóa trên máy bay này là các thiết bị điện cho trạm ra đa, thuộc diện hàng hóa hợp pháp, không bị cấm theo các công ước quốc tế.
Các vụ pháo kích qua biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và
Chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tăng cường sự hiện diện quân sự trên biên giới dài 910km với Syria, với 250 xe tăng và 55 máy bay chiến đấu các loại và giới chức quân sự nước này đã hạ lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu. Trước đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu "bật đèn xanh" trao cho Thủ tướng quyền tiến hành chiến tranh chống lại Syria. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng có những phản ứng đáp trả khi Damascus (13-10), ban hành lệnh cấm các chuyến bay dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bay qua lãnh thổ Syria...
Quan hệ giữa hai quốc gia từng là láng giềng thân thiện đang xấu đi từng ngày. Các động thái đang diễn ra được cho là sẽ lôi kéo Ankara vào cuộc xung đột nội bộ tại Syria diễn ra suốt 19 tháng qua và cuộc đụng độ lớn Thổ Nhĩ Kỳ - Syria dường như không thể tránh khỏi. Có luồng dư luận cho rằng, quân đội Syria bị suy yếu do các vụ đào ngũ và thương vong vì nội chiến đang diễn ra khó có thể đương đầu với một cuộc tấn công chớp nhoáng của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ ở thời điểm hiện tại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được huấn luyện và trang bị vượt trội so với các nước trong khu vực. Cộng đồng quốc tế tỏ ra hết sức lo ngại trước các động thái quân sự tiếp tục leo thang bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nên nếu xung đột xảy ra, NATO sẽ dựa vào các điều khoản tương hỗ để tiến hành can thiệp sâu rộng vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria. Và khi đó, một cuộc chiến lớn - chưa thể hình dung được quy mô và ảnh hưởng - sẽ định hình.
Không ai muốn đẩy khu vực Trung Đông vào căng thẳng mới, nhưng những gì đang diễn ra tại Syria đã vượt tầm kiểm soát. Trong những ngày đầu tuần, xung đột leo thang dữ dội khi quân chính phủ và lực lượng chống đối giao tranh quanh tuyến đường cao tốc nối thủ đô Damascus và thành phố quan trọng miền Bắc Aleppo. Các cuộc giao tranh trên toàn lãnh thổ Syria chỉ trong một ngày (13-10) đã cướp đi sinh mạng của hơn 150 người. Trong một động thái "tiếp dầu vào lửa", ngày 15-10, Liên minh Châu Âu (EU), đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt mới lên chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad. Theo đó, ngoại trưởng các quốc gia EU đã nhất trí đưa thêm 28 cá nhân cùng hai công ty của Syria vào danh sách các tổ chức và cá nhân bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU. Đây là đòn trừng phạt thứ 19 của EU nhằm vào chính quyền Damascus.
Một hy vọng mới vừa xuất hiện khi Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về cuộc khủng hoảng Syria, ông Lakhdar Brahimi tới khu vực để tìm cách giải quyết bất đồng. Ngày 13-10, Đặc phái viên L.Brahimi đã có chặng dừng chân ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận với các quan chức chủ nhà về cuộc khủng hoảng. Trước đó, vị đặc phái viên này cũng đã tới Saudi Arabia nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến hiện nay tại Syria. Trong chặng dừng chân tại Tehran (14-10), ông L.Brahimi cũng đã nhận được từ Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi lời cam kết sẵn sàng trợ giúp giải quyết khủng hoảng tại Syria... Để những hy vọng vừa xuất hiện trở thành hiện thực cần sự nỗ lực hơn nữa của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh lợi ích riêng đang được các bên tìm kiếm ráo riết tại quốc gia có vị trí địa - chiến lược quan trọng này thì việc có được sự đồng thuận trong mục tiêu tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria vẫn chỉ là một món hàng xa xỉ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.