Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng chính trị tại Thái Lan: Đang đẩy tới đỉnh điểm

Đình Hiệp| 07/04/2014 06:05

(HNM) - Chính trường Thái Lan lại một lần nữa đối mặt với làn sóng bất ổn mới. Hai ngày cuối tuần qua, hàng chục nghìn người


Với quyết tâm không để xảy ra một "cuộc đảo chính bằng tư pháp" như đã từng xảy ra năm 2008 ở quốc gia Đông Nam Á này, cuộc biểu tình lớn nhất của phe "áo đỏ" trong vòng 4 năm qua do Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 8-4.

Lực lượng “áo đỏ” tập trung ở ngoại ô thủ đô Bangkok để ủng hộ chính phủ đương nhiệm.



Mặc dù cuộc biểu tình lần này được tổ chức tại Phutthamonthon thuộc tỉnh Nakhon Pathom, phía đông Bangkok, song chỉ cách trung tâm thủ đô hơn 20km, nơi đang diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban lãnh đạo. Ngày 6-4, hàng nghìn người “áo đỏ” tiếp tục đổ xuống đường trong ngày tuần hành thứ hai ở khu vực ngoại ô phía tây thủ đô Bangkok, để bày tỏ sự ủng hộ đối với nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đây là đợt phô diễn sức mạnh lớn nhất của phe “áo đỏ” trong cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều tháng qua ở xứ Chùa Vàng. Nhằm ngăn chặn khả năng hai nhóm biểu tình "đối đầu" có thể gây bạo lực, quân đội và cảnh sát Thái Lan đã triển khai gần 10.000 binh sĩ tại hàng trăm chốt kiểm soát. Dự kiến sẽ có hàng trăm nghìn người "áo đỏ" từ các tỉnh khu vực Đông bắc Thái Lan kéo về gần thủ đô Bangkok để bày tỏ sự ủng hộ đối với nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck cũng như chống lại những nỗ lực nhằm lật đổ bà thông qua các phán quyết sắp tới của tòa án.

Cho dù khả năng xảy ra đụng độ là rất khó khi hai nhóm tập trung ở địa điểm khác nhau. Thế nhưng, dư luận lại hết sức quan ngại "bên thứ ba" - những kẻ không rõ danh tính đã từng tiến hành hàng loạt vụ tấn công bằng súng và lựu đạn ở thủ đô Bangkok trong những tháng gần đây và thường nhằm vào những người biểu tình đối lập. Bên cạnh đó, dư luận cũng hết sức lo ngại căng thẳng chính trị tại Thái Lan bị đẩy lên đỉnh điểm và có thể người Thái sẽ lại phải đón nhận một làn sóng bạo lực mới nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết nữ Thủ tướng đương nhiệm vi hiến khi sa thải người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia năm 2011. Quan chức này được biết đến là người ủng hộ phe đối lập chống chính phủ hiện nay. Nếu bị buộc tội vi hiến, bà Yingluck sẽ mất chức thủ tướng ngay lập tức. Hơn bao giờ hết phong trào biểu tình chống chính phủ do chính trị gia đối lập Suthep đứng đầu đang tận dụng mọi tình huống để nhanh chóng loại bỏ nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck cùng toàn bộ nội các đương nhiệm.

Năm 2008, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã từng ra phán quyết tương tự với cố Thủ tướng Samak Sundaravej. Nhà lãnh đạo này đã ký hợp đồng ăn lương để thực hiện quảng cáo trên truyền hình khi còn tại vị và bị coi là vi phạm Hiến pháp. Kết quả là ông Samak và toàn bộ nội các đã buộc phải từ chức. Vì thế, lực lượng "áo đỏ" ủng hộ chính phủ lo ngại, nếu bà Yingluck và nội các bị buộc phải từ chức sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực, giúp phong trào biểu tình chống chính phủ có thể thực hiện kế hoạch "dựng lên" một chính quyền không cần thông qua bầu cử. Kịch bản này được phe biểu tình áp dụng theo một điều khoản (Điều 7) của Hiến pháp hiện hành.

Phong trào "áo đỏ" ủng hộ chính phủ tuyên bố sẽ tiếp tục huy động thêm lực lượng kéo về Bangkok và các tỉnh lân cận nhằm bảo vệ hệ thống dân chủ của chính phủ tạm quyền. Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep cho rằng, màn kịch cuối cùng của cuộc xung đột chính trị sắp kết thúc trong những ngày tới. Ông Suthep hô hào những người ủng hộ chiến đấu tới cùng để loại bỏ hoàn toàn chính phủ hiện nay cũng như cái mà ông gọi là "chế độ thân Thaksin". Cuộc đấu quyền lực không khoan nhượng trên chính trường Thái Lan một lần nữa khiến khả năng xung đột giữa hai bên ủng hộ và phản đối chính phủ có thể bùng nổ. Nếu không có một giải pháp hòa bình thì cuộc đua tranh thắng, thua hiện nay - giữa những người ủng hộ và phản đối - sẽ lại đẩy đất nước Chùa Vàng tiếp tục rơi vào khủng hoảng mới. Các hệ lụy sau đó chắc chắn sẽ khiến người dân phải hứng chịu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng chính trị tại Thái Lan: Đang đẩy tới đỉnh điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.