(HNM) - Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ sau vụ đánh bom khủng bố tại Kashmir vào ngày 14-2 khiến hơn 40 sĩ quan an ninh Ấn Độ thiệt mạng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sau vụ đánh bom nói trên, ngày 26-2, Không quân Ấn Độ đã tiến hành không kích một địa điểm thuộc khu vực Balakot (phần lãnh thổ do Pakistan kiểm soát ở vùng tranh chấp Kashmir), nơi được cho là sào huyệt của thủ phạm đánh bom, tổ chức Jaish-e-Mohammed. Động thái này được xem là "hết giới hạn chịu đựng" bởi nhiều lần New Delhi chỉ trích Islamabad về việc đã không quyết liệt tiêu diệt các tổ chức khủng bố đang ẩn náu tại quốc gia này. Ấn Độ cho rằng, nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó có Jaish-e-Mohammed, vẫn đang hoạt động ở Kashmir và có liên quan đến các vụ khủng bố nhằm vào lực lượng an ninh của New Delhi.
Binh sĩ Pakistan bên cạnh xác chiếc máy bay Ấn Độ bị bắn rơi tại Kashmir. |
Trước cuộc không kích của Ấn Độ, Pakistan đã điều động máy bay để đối đầu. Ngày 27-2, Islamabad thông báo đã bắn hạ hai máy bay của nước láng giềng, bắt sống hai phi công. Ngược lại, phía New Delhi cũng cho biết đã bắn hạ một máy bay của Pakistan. Hành động đáp trả này chẳng khác gì "đổ dầu vào lửa" tại vùng đất với đa số dân cư theo đạo Hồi, vốn có sự đối đầu quyết liệt giữa Ấn Độ và Pakistan. Một trong những lý do tranh chấp chính là bởi nguồn nước chảy qua Kashmir hiện đang nuôi sống và sinh điện cung cấp cho hơn một tỷ dân Ấn Độ; đồng thời là huyết mạch đối với nền nông nghiệp của Pakistan. Chính vì vậy, bất cứ nước nào kiểm soát toàn bộ Kashmir đều được coi là mối đe dọa lớn tới an ninh quốc gia của nước còn lại.
Căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia Nam Á khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến hàng không Á - Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau cuộc không kích, Nhà Trắng đã ra thông cáo, phản đối căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai bên hết sức kiềm chế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước có đường biên giới nằm sát Kashmir và có quan hệ thân cận với Islamabad, cũng bày tỏ hy vọng Ấn Độ và Pakistan sẽ kiềm chế và lường trước những diễn biến phức tạp. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, tổ chức đa phương này đã có cuộc tiếp xúc với Ấn Độ ở các cấp khác nhau, đồng thời khẳng định Tổng Thư ký Antonio Guterres sẵn sàng làm trung gian hòa giải nếu hai bên nhất trí.
Một tín hiệu tích cực hiếm hoi đã xuất hiện vào ngày 1-3 khi Islamabad đã trao trả phi công người Ấn Độ Abhinandan Varthaman. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi nhấn mạnh, đây là “cử chỉ hòa bình” nhằm hạ nhiệt căng thẳng với nước láng giềng. Trước động thái này, New Delhi tuy bày tỏ hoan nghênh, nhưng nhấn mạnh vẫn đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ, đặc biệt khi đụng độ tại Kashmir vẫn diễn biến phức tạp.
Các chuyên gia cho rằng, bước đi của Pakistan chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Islamabad cần phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố, vốn là một trong những nguyên nhân khiến hai nước láng giềng đứng trên bờ vực chiến tranh trong hai thập kỷ qua. Mặc dù Chính phủ Pakistan luôn phủ nhận cáo buộc hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, nhưng rõ ràng việc trấn áp khủng bố tại quốc gia Nam Á này thời gian qua chưa hiệu quả.
Cùng với những bất đồng mang tính lịch sử, căng thẳng mới nhất giữa Ấn Độ và Pakistan khiến dư luận thế giới lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí có thể lôi hai quốc gia này vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Đối với thế giới, kịch bản hai nước có vũ khí hạt nhân xung đột quân sự với nhau luôn là cơn ác mộng và cần phải được ngăn chặn kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.