Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng mình cấp cứu bệnh nhân

Thu Trang| 19/02/2018 08:36

(HNM) - Ngay trong những ngày đầu năm mới, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải khiến y - bác sĩ phải căng mình làm việc. Không chỉ là số ca do tai nạn giao thông, lạm dụng rượu bia mà cả số trường hợp nhập viện do đánh nhau, do pháo nổ… cũng tăng khá nhiều.


Lượng bệnh nhân tăng gấp 5 lần

Thời điểm này, thay vì được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, các bác sĩ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vẫn làm việc hối hả như những ngày bình thường. Tại đây, cứ khoảng 10-20 phút lại có thêm một chiếc xe cấp cứu lao tới.

Các y, bác sĩ Bệnh viện E hội chẩn một ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong ngày đầu năm mới.


GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, dù đã huy động 400 nhân viên cùng 60 bác sĩ nhưng bệnh viện vẫn rơi vào cảnh… “vỡ trận”. Ngày thường, số lượng bệnh nhân cấp cứu chỉ khoảng 100 ca/ngày nhưng trong những ngày nghỉ Tết, số lượng tăng vọt, lên đến 500 ca/ngày, gấp 5 lần so với ngày bình thường, toàn bộ máy thở đều phải đưa ra sử dụng. Bệnh viện còn phải huy động thêm bác sĩ, đồng thời mở thêm 1 phòng mổ. Thậm chí, bệnh viện đã phải liên hệ với một số nơi khác như Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn đề nghị hỗ trợ để giảm tải bệnh nhân. Được biết, hầu hết nạn nhân bị tai nạn giao thông, nhiều trường hợp đa chấn thương rất nặng, chấn thương sọ não, gãy chân tay…

Tương tự, tại Bệnh viện E, ngay trong đêm 30 và rạng sáng mùng 1 Tết, các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cho 5 trường hợp chấn thương sọ não. Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện, hầu hết các ca phẫu thuật trong những ngày Tết đều do bệnh nhân trước đó có sử dụng rượu bia và bị tai nạn giao thông. Ngoài ra, trong dịp Tết, bệnh viện cũng ghi nhận những trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ hay những ca nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở người già.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ rơi vào tình trạng kiệt sức vì phải tiến hành cấp cứu cho quá nhiều người. Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, trong những ngày đầu năm mới, số lượng bệnh nhân nhập viện rất đông, chủ yếu do mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa. Nếu không lên kế hoạch từ trước, sắp xếp công việc hợp lý, tăng cường nhân lực và có sự phối hợp tốt với các khoa, phòng hoặc chuyên khoa khác thì Khoa Cấp cứu ở bất cứ bệnh viện nào rất dễ “vỡ trận” trong những ngày nghỉ Tết.

Có một nơi khác cũng luôn tấp nập người cần chăm sóc y khoa trong những ngày đầu năm mới, đó là các bệnh viện phụ sản. Trong ba ngày Tết năm nay, các cơ sở y tế trên cả nước đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công và chào đón thêm gần 9.000 công dân của năm Mậu Tuất 2018. Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, bệnh viện đã bố trí trực 4 cấp với nỗ lực để tất cả các ca sinh nở đều “mẹ tròn con vuông”. Thay vì cảm giác hân hoan đón năm mới cùng gia đình, các y, bác sĩ nơi đây lấy những ca chuyển dạ, hạ sinh an toàn làm niềm vui đón Tết.

Thủ phạm vẫn là... rượu, bia

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong ba ngày nghỉ Tết đầu tiên, 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc thực hiện khám cấp cứu cho gần 95 nghìn người bệnh. Riêng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là gần 17 nghìn trường hợp. Cùng với đó, có 190 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (tăng 54,4% so với ba ngày Tết Đinh Dậu 2017); 53 trường hợp nhập viện do chất nổ khác (tăng gần 104% so với ba ngày Tết 2017). Ngoài ra, các bệnh viện còn khám, cấp cứu cho 1.949 trường hợp đánh nhau, trong đó 1.099 người phải nhập viện điều trị nội trú và 6 trường hợp tử vong. Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đáng buồn nói trên là thói quen lạm dụng rượu, bia trong những ngày đầu xuân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, uống rượu, bia trong những bữa tiệc vui đón Tết, mừng Xuân là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt. Thế nhưng, nhiều người gặp nhau là ép nhau uống quá đà, trở thành nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn giao thông, đánh nhau. Để niềm vui của năm mới được trọn vẹn, mỗi người cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội, không nên lạm dụng rượu bia.

Trong những ngày nghỉ Tết còn lại, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục bảo đảm công tác điều trị, phục vụ người bệnh, tuyệt đối không để bệnh nhân đến mà không có người chăm sóc. Mặt khác, cần phải bảo đảm sự phối hợp tốt giữa các tuyến y tế, tập trung mọi nguồn lực cứu chữa người bệnh và thường trực công tác báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đánh nhau, ngộ độc trong dịp Tết.

Theo tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong ba ngày nghỉ Tết đầu tiên, trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào. Ngoài ra, về tình hình dịch bệnh, cả nước không ghi nhận ổ dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, sốt xuất huyết...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng mình cấp cứu bệnh nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.