(HNM) - Bây giờ thì quá nhiều người đã biết về cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả được định danh trên bìa: Vũ Chất là "một ấn phẩm đáng sợ" cả về học thuật lẫn cái cách mà nó có mặt trong đời sống xã hội.
Đáng sợ bởi có thông tin là cuốn từ điển tai hại đã “chui” được vào Thư viện Quốc gia Việt Nam với "giấy tờ tùy thân" hẳn hoi, tức sẽ không bị giới hạn về đối tượng bạn đọc - dù gì cũng là biểu hiện của sự thừa nhận đối với một ấn phẩm mà nhẽ ra, với bạn đọc thông thường của một nơi tầm cỡ như Thư viện Quốc gia, nó cần phải bị "loại từ vòng gửi xe". Đáng sợ bởi đến thời điểm này, ngoài những “vấn đề” về mặt nội dung đã được chỉ ra cụ thể, nhận được sự thừa nhận rộng rãi, thì câu hỏi vì sao một ấn phẩm tồi tệ đến vậy vẫn có thể lọt các loại "lưới lọc" nội dung cũng như hàng rào quản lý để có mặt trên thị trường, "đội mũ" của hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác, vẫn còn treo lơ lửng trên đầu người quan tâm và chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Về cuốn từ điển nói trên, một đồng nghiệp nói với người viết, đại ý là người này đã hỏi ngược hỏi xuôi về vấn đề trách nhiệm trong việc để lọt ra thị trường ấn phẩm kém chất lượng, câu trả lời của một số người trong giới là "ôi dào, đó chỉ là chuyện nhỏ, quá nhỏ trong đời sống xuất bản hiện nay". Nhỏ là nhỏ thế nào? Là cuốn từ điển bị đả kích được đầu nậu "luộc", "xào xáo", "chụp mũ nhà xuất bản" nên ra nông nỗi ấy? Nhỏ vì đó là sách "lậu", vốn nhiều không đếm xuể? Hay chuyện nhỏ có nghĩa lỗi ở ấn phẩm ấy bình thường, có lẽ chẳng đáng quan tâm, là do truyền thông đẩy lên nên ồn ĩ đến vậy? Hay chuyện nhỏ là bởi so với những lỗi khác ở nhiều ấn phẩm khác thì "tầm cỡ sự sai" chẳng bõ bèn gì?... Một câu nói, có thể vô thưởng vô phạt nhưng hé lộ góc khuất phía sau hình dạng đời sống xuất bản như ta thường thấy chăng?
Có người nói rằng, cái cách mà cuốn từ điển nọ ra đời sống với những gì đáng gọi là ba vạ trong nội dung của nó, thật ra không đáng sợ bằng những gì diễn ra sau đó, liên quan đến việc giải quyết hậu quả. Ai phải chịu trách nhiệm - chính, phụ và liên đới? Càng lúc càng thấy cách đặt vấn đề nói trên đúng, bởi đến nay vẫn chưa thể làm ra ngô ra khoai là trách nhiệm cụ thể ra thế nào. Sách "đội mũ" một số nơi đã được kết luận là sách "lậu", số khác là sách "xịn"; những nhà xuất bản có tên trên bìa sách "xịn" có thể là một bên trong quá trình liên kết xuất bản, phải chịu trách nhiệm gì ngoài việc thu hồi sách có thể diễn ra nay mai? Ai chịu trách nhiệm biên tập, có hội đồng thẩm định như thường thấy đối với việc xuất bản từ điển hay không, trách nhiệm các bên thế nào?...
Xuất bản sách là một cách cung cấp tri thức cho bạn đọc, ngoài ý nghĩa giải trí, với sách thường thì khâu biên tập nội dung đã phải hết sức cẩn thận, nói gì đến từ điển. Vậy mà, ở ta, không chỉ qua trường hợp Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang danh tác giả Vũ Chất, quy trình, cách thức xuất bản nhiều tên sách khác càng lúc càng cho thấy sự cẩu thả vô cùng. Điều đáng ngại là trước những ấn phẩm đầy lỗi xuất hiện trong thời gian qua, hiện có xu hướng "nhường trách nhiệm" cho các đầu nậu, phía in lậu luôn ẩn mình trong bóng tối, cũng như cho quy trình liên kết xuất bản đang ngày càng bộc lộ sự bất cập. Do in lậu đấy! Sách liên kết đấy! Thế là xong? Mấy ai hỏi, truy cứu ra nhẽ nơi nào chịu trách nhiệm khi để đầu nậu sách tung hoành như chốn không người, và vì sao "bên chính danh" trong các hợp đồng liên kết thả sức trao giấy phép xuất bản cho những nơi không đáng tin cậy mà vẫn không hề hấn gì?...
Đáng sợ là đúng rồi. Nhưng, vì sao mà đáng sợ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.