(HNM) - Trong không khí mọi người, mọi nhà náo nức chuẩn bị đón Tết Nhâm Thìn, nhiều tuyến phố ở quận Hà Đông đã bị biến thành chợ, ô tô dừng, đỗ lộn xộn, hoa, cây cảnh bày bán khắp nơi và hàng hóa tràn ra vỉa hè…
Các hộ kinh doanh tại phố Quang Trung (phường Quang Trung) biến vỉa hè thành... “của riêng”. |
Trong thời gian qua, UBND quận Hà Đông đã nỗ lực thực hiện Chương trình 04 của Quận ủy Hà Đông về việc lập lại quản lý trật tự công cộng đô thị. Theo đó, các tuyến phố được giao trách nhiệm rất rõ ràng cho cán bộ cấp phường và các phòng, ban chuyên môn của UBND quận. Với những cố gắng ban đầu, nhiều tuyến phố đã sạch đẹp hơn; hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ cá thể đã có ý thức hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, khi chính quyền ở nhiều địa phương lơi lỏng, khiến cho càng gần đến Tết thì những lộn xộn càng gia tăng. Tại một số tuyến phố chính trên địa bàn quận Hà Đông, hầu hết vỉa hè bị người dân chiếm dụng để bán hàng như các phố Quang Trung, Lê Lợi, Tô Hiệu, Nguyễn Thái Học… và cũng từ đó, ô tô, xe máy dừng, đỗ tùy tiện để mua hàng. Đặc biệt, có những nơi trước đây chính quyền địa phương đã giải tỏa được chợ "cóc", song lợi dụng thời điểm này, một số điểm tái lập chợ tạm như ở phố Lê Hồng Phong (phường Hà Cầu)… Mặc dù UBND quận Hà Đông đã sắp xếp 2 khu vực chính để bán hoa, cây cảnh ở phố Nhuệ Giang và phường Vạn Phúc nhưng rải rác ở nhiều góc phố vẫn có những điểm bán cây, tranh, ảnh tự phát, làm ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT. Một số tuyến phố còn bị chủ cửa hàng rửa ô tô, xe máy chiếm dụng cả lòng đường để hành nghề, điển hình như các phố Thanh Bình, Nguyễn Viết Xuân, các điểm rửa xe còn xả nước trực tiếp ra đường, khiến vỉa hè, lòng đường nơi đây trở thành "lãnh địa" riêng của họ…
Những vi phạm về trật tự đô thị nêu trên không chỉ tồn tại ở riêng quận Hà Đông, mà có lẽ là điều đã quá quen thuộc ở khắp các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với suy nghĩ còn mang nhiều cảm tính nên cả cán bộ chính quyền các cấp và người dân dễ dàng chấp nhận những cảnh lộn xộn, lâu dần trở thành tập quán xấu. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý trật tự đô thị trong mọi thời điểm, không nên coi dịp Tết Nguyên đán là một ngoại lệ để những vi phạm này nghiễm nhiên tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.