(HNM) - Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính tới thời điểm này, cả nước hiện có gần 50 tàu biển của các doanh nghiệp ngưng hoạt động, neo đậu lâu ngày tại các vùng biển, luồng sông.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong gần 50 chiếc tàu của các doanh nghiệp ngưng hoạt động và neo đậu lâu ngày tại các vùng biển, luồng sông thì riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có 11 chiếc.
Hiện ngành vận tải biển khu vực phía Nam vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng. |
Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast Consultant) cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trì trệ và thua lỗ của các công ty vận tải biển là các cảng được xây dựng quy mô hiện đại nhưng công suất khai thác lại quá thấp. Đơn cử, đến thời điểm này, tổng công suất thiết kế của các bến cảng container đang hoạt động tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hơn 6.000.000 TEU/năm (tương đương 144 triệu tấn/năm), nhưng khối lượng hàng container thông qua các bến cảng này chỉ đạt khoảng gần 970.000 TEU (khoảng hơn 23 triệu tấn, chỉ đạt khoảng 16% công suất thiết kế). Cũng tại cảng CM-TV, nếu như theo quy hoạch sẽ có 16 tuyến vận tải hoạt động thì nay chỉ còn 8 tuyến, bởi một số hãng tàu đã ngừng khai thác tuyến trực tiếp từ cảng đi các nước Châu Âu và Châu Mỹ vì không đủ lượng hàng hóa cung cấp.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù bến cảng container SPCT (huyện Nhà Bè) có công suất thiết kế cho tàu tải trọng 50.000 DWT (tương đương 50.000 tấn), nhưng hiện bến cảng này chỉ có thể tiếp nhận tàu lớn nhất với tải trọng 30.000 DWT. Theo giải thích của Ban Quản lý dự án thì do luồng chính vào cảng theo sông Soài Rạp chưa được nạo vét xong.
Theo quy hoạch của ngành vận tải biển Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, khu vực phía Nam sẽ bao gồm 11 cảng hàng hóa chính; trong đó, vùng Đông Nam bộ có 6 cảng, vùng Tây Nam bộ có 5 cảng có chức năng phục vụ hoạt động kinh tế của các địa phương và khu vực lân cận, với năng lực thông qua đạt 10,9 triệu tấn/năm. Ngoài ra, khu vực này còn có 45 cảng khác phục vụ hoạt động kinh tế của các địa phương với năng lực thông qua đạt 21,7 triệu tấn/năm. |
Vấn đề đáng lưu tâm nữa là hiện một số bến cảng biển đã và đang được đầu tư mới nhưng mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối vào các cảng đều thiếu hoặc yếu. Cụ thể: Tuyến đường vào cảng quốc tế SP-PSA, Thị Vải và Nhà máy đóng tàu Ba Son - Phú Mỹ (thuộc tuyến Liên cảng CM - TV) đang thi công từng đoạn vì chưa thể bố trí đủ vốn cho toàn tuyến. Còn tại TP Hồ Chí Minh, tuyến liên tỉnh lộ 25B kết nối từ Xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái (quận 2) luôn trong tình trạng quá tải do mật độ xe container ra vào rất lớn. Trong khi đó, Cát Lái là cảng container lớn nhất nước, chiếm 45% thị phần. Không dừng lại ở đó, tuyến đường D3 (nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) kết nối vào bến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước vẫn giậm chân tại chỗ từ nhiều năm nay và không biết khi nào tuyến đường này mới được khởi công.
Cùng chung số phận là cảng quốc tế Phú Hữu (quận 9). Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), Khu 2 đã kiến nghị với Sở GTVT về việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối trực tiếp với cảng Phú Hữu nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng với tuyến đường bê tông trong cảng. Tuy nhiên ông Thiết cho hay cũng không biết khi nào mới nhận được "hồi âm" nên cảng này còn phải chờ đường dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.