(HNM) - Gần đây trên địa bàn TP Hà Nội tái xuất hiện các hành vi "khủng bố" bằng chất bẩn hay các hình thức đe dọa người khác, gây hoang mang dư luận. Nguyên nhân được cho là do hệ lụy của những vụ đổ bể nợ nần. Điều đáng nói là hành vi này chưa được xử lý đúng mức, không đủ sức răn đe.
Ngày 20-7, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (CATP Hà Nội) đã làm rõ nhóm đối tượng đổ chất bẩn là mắm tôm, dầu máy và cả tiết lợn, cá thối… vào nhà bà Đậu Thị N., trú ở phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình). Sau đó vài ngày, CA quận Ba Đình cũng cho biết đang điều tra vụ việc kẻ xấu ném xăng và chất bẩn vào nhà ông Nguyễn Văn T. (phố Sơn Tây, Kim Mã, Ba Đình) rạng sáng 20-7. Trong vụ việc này, ngoài việc cửa nhà bị châm lửa đốt, gia chủ còn phải dọn rửa 1 chai đựng mắm tôm pha dầu máy thải đổ đầy trước cửa. Nạn nhân cho biết, trước đó, ngày 15-7 cũng bị một nhóm người ném chất bẩn vào nhà...
Qua điều tra các vụ việc tương tự, cơ quan CA cho biết, những vụ ném chất bẩn vào nhà người khác như trên là một trong những hình thức khủng bố, đe dọa mà nguyên nhân hầu hết xuất phát từ mâu thuẫn do vay, nợ tiền bạc. Những năm qua, xuất hiện nhiều giao dịch dân sự liên quan đến tài sản, tiền bạc không được chứng thực bởi cơ quan pháp luật. Khi kinh tế khó khăn, quá trình đòi nợ gặp khó, nhiều chủ nợ chọn cách hành xử kiểu côn đồ. Vì vậy, hành vi đe dọa để đòi nợ xuất hiện ngày càng nhiều, từ điện thoại, nhắn tin chửi bới, dọa đánh, giết cho đến đổ chất bẩn, mang vòng hoa đến đặt trước cửa nhà... Như trong vụ việc tại phường Vĩnh Phúc, do hai năm trước, con gái bà N. đã vay 100 triệu đồng, quá hẹn không trả nên nhóm đối tượng trên đã nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, sau đó là mang chất bẩn đến "khủng bố".
Chưa nói đến hậu quả nhiều vụ án do đòi nợ, siết nợ dẫn đến cố ý gây thương tích, thậm chí án mạng, việc đòi nợ theo kiểu "khủng bố" bằng các chất bẩn như trên thực tế cũng gây không ít thiệt hại cho nạn nhân, cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn. Kẻ đòi nợ không chỉ nhằm vào con nợ mà đe dọa tất cả người thân của con nợ, gây hoang mang, lo sợ, từ đó ảnh hưởng đến công việc, học tập. Chưa kể, hành vi đổ chất bẩn, mang vòng hoa, quan tài đến đặt trước cửa nhà... không chỉ gây mất vệ sinh mà còn nhằm bôi nhọ gia đình con nợ, gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, rộng hơn là gây bất an đối với TTATXH. Thế nhưng, những hành vi như trên hiện hầu hết chỉ bị xử lý hành chính. Hành vi đe dọa khủng bố bằng cách điện thoại, tin nhắn bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Trong khi đó, để xác định được đối tượng "khủng bố" không dễ, khi mà đối tượng không lộ diện, thường sử dụng số điện thoại "rác". Trong trường hợp, đối tượng đe dọa đề cập trực tiếp đến việc giết người cũng không dễ xử lý hình sự... Còn việc đổ phế thải, chất bẩn vào nhà người khác cũng chỉ bị xử lý hành chính vì chỉ bị coi là gây rối trật tự công cộng. Như trong vụ việc nhà bà N., CA đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với các đối tượng và phạt tiền mỗi đối tượng 1 triệu đồng. Trong vụ việc xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn T., kẻ gian đổ xăng đốt, nhưng nếu thiệt hại được xác định là không đáng kể, cơ quan chức năng có xác định được đối tượng cũng chỉ có thể xử phạt hành chính... Có lẽ cũng vì việc phát hiện, xác định đối tượng không dễ, mức xử lý thấp nên trong nhiều vụ việc người bị đe dọa "khủng bố" ngại trình báo, cơ quan chức năng ngại điều tra, dẫn đến có những vụ việc kéo dài...
Thiệt hại vì bị "khủng bố" tinh thần bằng điện thoại, bị đổ chất bẩn vào nhà hay thậm chí đốt "dọa" như trên rõ ràng đã gây ảnh hưởng xấu đến nạn nhân và cộng đồng. Những hành vi đó cũng gây bất ổn cho ANTT tại địa phương. Xét về lâu dài, nếu cứ để tình trạng đòi nợ, giải quyết mâu thuẫn theo kiểu "khủng bố" bằng chất bẩn diễn ra tràn lan sẽ gây ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, đã đến lúc cần sửa đổi những văn bản pháp quy liên quan theo hướng tăng nặng hình thức xử lý với loại hành vi trên để đủ sức răn đe...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.