(HNM) - Việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Song do lực lượng mỏng, việc tổ chức thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, công tác tuyên truyền còn hạn chế… nên vẫn còn nhiều cơ sở chưa chấp hành quy định về ATTP, sản phẩm đưa ra thị trường chưa thật sự yên tâm.
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Vũ Tuấn |
Qua đợt giám sát chuyên đề về lĩnh vực này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cho rằng, cùng với nhiều giải pháp siết chặt quản lý, nên thí điểm xây dựng quy trình sản xuất an toàn.
Kiểm tra là ra vi phạm
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Sở cấp 800 giấy chứng nhận; quận, huyện, thị xã cấp hơn 7.000 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, trong số cấp trên, vẫn còn nhiều cơ sở chưa tuân thủ quy định về thực hành vệ sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ cũng như nguồn gốc nguyên liệu.
Còn ông Trần Mạnh Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, toàn thành phố có hơn 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. 5 năm qua, ngành đã phối hợp thanh, kiểm tra 45.928 lượt cơ sở, phát hiện 6.574 cơ sở không đạt yêu cầu, xử lý vi phạm khoảng 7,5 tỷ đồng. Đáng lưu ý, kiểm tra lĩnh vực có nguy cơ cao mất ATTP như rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản thì có đến 4,61% mẫu vi phạm. Quản lý sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, bánh mứt kẹo, sữa chế biến…, Sở Công Thương đã thanh, kiểm tra, xử lý 8.000 vụ vi phạm chất lượng ATTP, chủ yếu không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, lưu mẫu không đầy đủ…
Lý giải nguyên nhân có thanh tra, kiểm tra, nhưng vi phạm vẫn tồn tại, các sở Y tế, NN&PTNT và Công Thương cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn còn thiếu, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bỏ sót một số lĩnh vực… gây khó khăn cho việc áp dụng (ví dụ que kem, bột chè, bột cà phê, gói chống ẩm chưa phân định vào nhóm ngành nào). Thêm nữa, chưa có biên bản thẩm định ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hỗn hợp; chưa có quy định về nội dung thẩm định thực tế để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất bao bì nhựa, thủy tinh… dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý hạn chế, trong khi khối lượng công việc đòi hỏi ngày càng cao; việc xử lý vi phạm về mất ATTP tuyến cơ sở còn chưa kiên quyết, chủ yếu chỉ nhắc nhở.
Nên thí điểm xây dựng quy trình chuẩn
Kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, chế biến tại các làng nghề của huyện Quốc Oai và Hoài Đức, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho rằng, chưa yên tâm về ATTP đối với các cơ sở sản xuất này, vì người sản xuất không có bảo hộ lao động, nguồn gốc vật liệu không rõ ràng, quy trình sản xuất thủ công, chưa khép kín…
Từ thực trạng như vậy, ông Nguyễn Văn Thắng (Bí thư Quận ủy Tây Hồ), thành viên Đoàn giám sát cho rằng, chính quyền cần giúp các hộ dân sản xuất theo quy trình chuẩ̉n, dụng cụ cần bảo đảm đạt chuẩn và thường xuyên kiểm soát. Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đề nghị, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở sản xuất và người tiêu dùng. Hiện nay, ai cũng quan tâm đến ATTP, nhưng mới chỉ là bề nổi ngộ độc cấp tính, còn ngộ độc mạn tính dẫn đến ung thư thì ít được quan tâm.
Theo các thành viên Đoàn giám sát, điều quan trọng là cần siết chặt quy trình sản xuất đã có, bổ sung cho phù hợp, rồi phổ biến rộng đến người dân và chủ cơ sở. Trước mắt, có thể xây dựng quy trình chuẩn thí điểm ở một số làng nghề (quy trình sản xuất miến dong, bánh kẹo…) sau đó tổng kết nhân rộng. Bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố đề xuất, ngoài xây dựng quy trình chuẩn, chính quyền địa phương cần thường xuyên xét nghiệm mẫu nước; định kỳ kiểm tra khám sức khỏe cho người sản xuất.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương khẳng định, vấn đề bảo đảm ATTP đang trở nên cấp thiết, liên quan đến bữa ăn hằng ngày của mỗi người dân. Nhưng, thực tế kiểm định thực phẩm nào an toàn, thực phẩm nào không an toàn bằng mắt là rất khó. Trong khi đó, những tồn tại trong ATTP còn nhiều, nhất là lực lượng kiểm tra, giám sát mỏng; công tác quản lý còn chồng chéo, chưa rõ ràng; chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa có tính răn đe… “Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP, không chỉ giám sát thực tế tại cơ sở, Ban còn giám sát qua báo cáo các quận, huyện, thị xã. Tại kỳ họp cuối năm 2016 của HĐND thành phố, lĩnh vực này cũng sẽ được đại biểu chất vấn UBND thành phố và các sở, ngành chức năng” - ông Trần Thế Cương cho biết.
Cùng với nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, việc thí điểm xây dựng quy trình sản xuất an toàn là rất cần thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính người sản xuất và cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.