Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần vai trò chủ động

Võ Lâm| 24/02/2011 05:53

(HNM) - Trong khi việc sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ngành chưa được thực hiện, vẫn còn những hiện tượng trong quản lý, lĩnh vực này ở TƯ là thuộc ngành này, nhưng ở địa phương lại được giao cho ngành khác, nên có ngành tuy không quản lý, nhưng vẫn phải báo cáo thực hiện.


Chồng chéo trong quản lý làng nghề và các ngành khác đã làm giảm hiệu quả và mất đi sự chủ động trong công việc. Ảnh: Bá Hoạt


Đầu tiên phải kể đến những băn khoăn của ngành nông nghiệp. Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cho biết, từ tháng 7 tới đây, Luật An toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực. Theo luật, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm từ khâu sản xuất đến chế biến thực phẩm. Nhưng hiện nay, tại Hà Nội, nhiệm vụ này được giao cho một số sở cùng làm, chẳng hạn ngành công thương lại phụ trách khâu giết mổ… Cùng một lĩnh vực là làng nghề, trong khi ở cấp TƯ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách, ở TP lại được giao cho Sở Công thương quản lý. Vì vậy, trong khi báo cáo TƯ thì ngành nông nghiệp phải làm, trên thực tế mọi việc lại nằm ở Sở Công thương. "Chúng tôi phải sang xin thông tin của Sở Công thương mỗi khi báo cáo" - ông Trần Xuân Việt nói. Chưa kể, khi thực hiện việc tu sửa các công trình thủy lợi, các dự án chỉ vài trăm triệu đồng, ngành nông nghiệp cũng không được duyệt. Nhiệm vụ này vẫn được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thực tế này khiến ngành nông nghiệp mất đi phần nào sự chủ động trong công việc, nhất là những việc liên quan đến chuyên môn ngành.

Cùng ở tâm trạng như vậy, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một số lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với chức năng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường không thuộc trách nhiệm quản lý của sở mình như quản lý hồ, cây xanh, cấp - thoát nước, vệ sinh môi trường… Điều này khiến việc triển khai một số chương trình, dự án bị phân tán, thiếu tập trung, hiệu quả không cao, nhất là khi giữa các ngành với nhau không có sự thống nhất cao trong phối hợp công tác. Đây là hiện tượng ảnh hưởng nhiều trong thực tế vì theo ông Vũ Văn Hậu, "giữa các ngành phối hợp vẫn chưa tốt, nhất là trong thực hiện thủ tục hành chính, còn cản trở lẫn nhau".

Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất trong phân công chức năng, nhiệm vụ quản lý thể hiện rõ nhất trên đường phố. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, trên đường phố có mặt đường và hố ga. Về nguyên tắc, khi nâng cấp mặt đường thì phải làm đồng bộ cả hố ga cũng phải được nâng cấp. Tuy nhiên, vì hố ga thuộc quản lý của ngành khác, nên nếu muốn có sự đồng bộ, thì dự án nâng cấp mặt đường của ngành giao thông vận tải phải được làm cùng thời gian với dự án nâng cấp hố ga thuộc một sở khác. "Nếu các sở cùng nâng cấp thì tốt, chứ họ không có điều kiện, phải nâng cấp sau thì cũng chịu"- ông Nguyễn Quốc Hùng nói. Vướng mắc này để lại hậu quả là hầu hết những đường phố mới được nâng cấp của Hà Nội, các hố ga đều trồi cao hơn hoặc thụt sâu dưới mặt đường. Tai nạn không đáng có đã xảy ra vì thế. Không chỉ vậy, sau này, khi các hố ga được nâng cấp, mặt đường xung quanh lại bị làm hỏng.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Khắc phục những vướng mắc trong quản lý nói trên chắc chắn không phải "nhiệm vụ bất khả thi". Tuy nhiên để thay đổi một cách cơ bản như lĩnh vực thuộc ngành nào quản lý phải được chuyển trả lại, thì cũng rất khó khăn vì hệ thống quản lý dù chưa hoàn thiện nhưng đã thành nếp, quen thuộc thành ra thông thạo. Bây giờ đặt vấn đề mang tính "đảo lộn" sắp xếp lại cùng lúc e rằng chưa phù hợp. Đây là nhiệm vụ mà theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thuộc về ngành nội vụ, cơ quan tham mưu chính về tổ chức, sắp xếp quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại phải qua rất nhiều bước, nếu diễn ra cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Nên trong khi chờ đợi, để khắc phục, các sở, ngành nên chủ động nghiên cứu để có sự phối hợp công tác hiệu quả hơn.

Rõ ràng, để phối hợp công tác tốt, các sở, ngành phải xác định đặt hiệu quả công việc chung lên hàng đầu, gạt bỏ những lợi ích cục bộ ngành hay những vấn đề như tự ái nghề nghiệp… sang một bên. Chỉ có như thế, mới có thể tập trung đóng góp, toàn tâm toàn ý vì hiệu quả công việc chung. Tuy nhiên, cùng với sự chủ động của các ngành, có lẽ quan trọng và hiệu quả hơn cả là vai trò "trọng tài" của UBND TP. Việc ký kết chương trình phối hợp công tác giữa các ngành có những quan hệ quản lý mang tính trùng lắp nói trên rất cần thiết. Qua đó sẽ phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể giữa các sở, ngành với nhau trong lĩnh vực, những mảng công việc còn chồng chéo. Tuy nhiên, để UBND TP làm tốt vai trò "trọng tài" trong những trường hợp như vậy, các sở, ngành liên quan phải chủ động tham mưu, đề xuất. Cách làm đã có, nhưng việc chưa thành là vì các sở, ngành không chịu chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất hoặc có tham mưu, đề xuất cũng chưa "trúng", chưa đúng. Rõ ràng, để khắc phục tình trạng vướng mắc, "chìa khóa" chính là nằm trong tay các sở, ngành. Vấn đề còn lại ở đây là tinh thần trách nhiệm của họ cao hay thấp mà thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần vai trò chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.