Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ưu đãi thuế cho dự án nhà ở xã hội

Khánh Khoa| 13/12/2012 06:24

(HNM) - Tiếp sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đã có động thái đầu tiên, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để khuyến khích đầu tư xây dựng và tiêu thụ nhà ở xã hội có diện tích nhỏ phù hợp với số đông người lao động.

Lý do để Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định thuế GTGT, thuế TNDN là theo Nghị quyết 18 của Chính phủ (tháng 4-2009), việc đầu tư nhà ở xã hội thực hiện trên nguyên tắc xã hội hóa, chủ đầu tư được ưu đãi thuế GTGT ở mức cao nhất, được miễn thuế TNDN trong 5 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, được áp dụng thuế suất TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách ưu đãi trên chỉ được áp dụng trong năm 2009 (theo các Quyết định 96, 65, 66, 67 của Thủ tướng Chính phủ) trong khi đầu tư nhà ở cần thời gian dài, diễn ra trong nhiều năm.

Dự án  nhà ở xã hội được ưu đãi thuế sẽ cải thiện điều kiện nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ảnh: Thái Hiền


Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp không được hưởng ưu đãi về thuế đã dẫn tới tình trạng giá nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập của người lao động. Tại Hà Nội, một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, sau khi xét duyệt xong, người mua không đến ký hợp đồng do không đủ tiền thanh toán. Với mức giá bình quân 11-13 triệu đồng/m2, giá nhà thu nhập thấp không thấp hơn giá nhà thương mại là mấy và đòi hỏi người mua phải có thu nhập hằng tháng ở mức tương đối cao mới mong mua được.

Vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế GTGT và thuế TNDN trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội ngay trong năm 2013. Nhưng do kỳ họp gần nhất của Quốc hội là tháng 5-2013 nên trước mắt báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng trong 12 tháng để bảo đảm hiệu quả hỗ trợ, khuyến khích thị trường BĐS và nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, về lâu dài các chính sách hỗ trợ gồm: giảm 50% thuế GTGT đầu ra cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; áp dụng thuế suất ưu đãi 10% thuế TNDN với thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội.

Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đẩy mạnh tiêu thụ vật liệu xây dựng tồn đọng và hỗ trợ đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng nghị quyết của Quốc hội để thực hiện ngay trong năm 2013 gồm: giảm 50% thuế GTGT đầu ra với các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội, giảm 50% thuế GTGT đầu ra với đầu tư, kinh doanh căn hộ có diện tích dưới 70m2 sàn và giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông; gia hạn nộp thuế GTGT với đầu tư, kinh doanh nhà ở và gia hạn nộp thuế TNDN với thu nhập từ bán nhà ở trong 12 tháng; áp dụng thuế suất ưu đãi 10% thuế TNDN với đầu tư, kinh doanh nhà xã hội.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2012-2020, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, khoảng 31,3 triệu mét vuông, tương đương hơn 900.000 căn hộ. Sau 3 năm triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội, các địa phương đã khởi công 54 dự án nhà cho người thu nhập thấp, quy mô 1,8 triệu mét vuông sàn, tương đương hơn 40.000 căn hộ; hoàn thành được 23 dự án, quy mô khoảng 10.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 43.000 người. Trong khi đó, nhà ở cho công nhân đã có 94 dự án triển khai, 62 dự án đã hoàn thành, quy mô 612.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho 67.600 công nhân. Như vậy, nguồn cung còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần ưu đãi thuế cho dự án nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.