Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tuân thủ DOC và UNCLOS 1982

Hoàng Linh| 21/07/2016 06:55

(HNM) - Ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, dư luận quốc tế đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt về vai trò của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong giải quyết những tranh chấp trên vùng biển này.


Tờ The Diplomat dẫn lời chuyên gia luật quốc tế Roncevert Ganan Almond cho biết, ngoài chỉ rõ những sai phạm của Trung Quốc dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; phán quyết còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Biển Đông đối với nền kinh tế - thương mại toàn cầu cùng sự thịnh vượng chung của các nước trong khu vực - đặc biệt là với các quốc gia ASEAN. Theo ông R.G Almond, Trung Quốc không muốn giải quyết những tranh chấp bằng đàm phán đa phương - bao gồm cả các diễn đàn khu vực như ASEAN - mà thay vào đó luôn tìm kiếm các biện pháp đàm phán song phương (hay “chia để chinh phục” theo cách nói của vị chuyên gia này). Thực tế, cho dù chọn giải pháp nào đi nữa thì cách hành xử của Trung Quốc và các nước ASEAN về tranh chấp trên Biển Đông cần tuân thủ theo Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông (DOC) - vốn đã được các bên liên quan ký kết thông qua từ năm 2002. Ngoài ra, một chi tiết khác cũng rất đáng chú ý trong các điều khoản của DOC là ngay từ đầu đã yêu cầu các bên tham gia ký kết (có cả Trung Quốc) đều phải cam kết tuân thủ UNCLOS và những quy định quốc tế khác liên quan tới quan hệ giữa các quốc gia. DOC nêu rõ các thành viên ASEAN và Trung Quốc cần phải “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán mà không sử dụng tới sự đe dọa hoặc vũ lực”.

Trong khi đó, về thái độ của cộng đồng ASEAN trước phán quyết của Tòa trọng tài, Tiến sĩ Felix Heiduk - chuyên gia Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức cho rằng: Thực tế các quốc gia thành viên ASEAN đều có nhiều lợi ích chung trên Biển Đông. Đây là tiền đề quan trọng để mở ra nhiều con đường phát triển, hợp tác giúp ASEAN ngày càng thịnh vượng và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Vị tiến sĩ người Đức đưa ra nhận định: “ASEAN cần thực sự là người cầm lái trong tất cả các diễn đàn đa phương có thảo luận đến vấn đề Biển Đông". Tuy nhiên, hiện nay giữa các nước trong khối vẫn chưa có tiếng nói chung về vấn đề này, một phần do mỗi quốc gia đều có ưu tiên khác nhau trong chính sách nên dẫn tới cách hành xử cũng khác nhau.

Thực tế, một tương lai hòa bình và ổn định, thịnh vượng trong khu vực luôn được các quốc gia trong cộng đồng ASEAN mong mỏi và tìm mọi cách theo đuổi. Cựu Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, từng khẳng định: “Sau phán quyết của Tòa trọng tài, ASEAN vẫn phải tiếp tục hướng về tương lai. Các thành viên ASEAN phải nhận thấy đây là điểm khởi đầu. Do đó, các bên phải làm việc cùng nhau để hướng tới tương lai, phục vụ mục tiêu chung là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Chúng ta cần đưa các quy tắc ứng xử, dựa vào các yếu tố đạo đức và các hành động phù hợp để tránh xung đột, tai nạn hoặc sự hiểu lầm, có thể dẫn tới xung đột. Và, đây chính là lúc để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề, bắt đầu quá trình đưa ra những lựa chọn mới cho tương lai”. Để đạt được mục tiêu này, theo tờ The Guardian, các nước ASEAN cũng cần thể hiện rõ quyết tâm rằng sẽ tôn trọng tới cùng luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển giữa các quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tuân thủ DOC và UNCLOS 1982

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.