(HNM) - Chiều 7-10, qua kiểm tra một cơ sở chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp lớn trên địa bàn huyện Ba Vì, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện 13 loại thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ đã hết hạn với số lượng lên tới hàng trăm gói; gần 10.000 chai thuốc trừ cỏ sai nhãn mác; đặc biệt là 1.500 ống thuốc làm chín hoa quả có nhãn mác Trung Quốc nằm ngoài danh mục. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ số hàng nói trên để xử lý theo quy định.
Nếu như cách đây vài năm, vụ việc nêu trên chắc chắn sẽ khiến dư luận không khỏi giật mình. Các "thượng đế" sẽ tự đặt ra câu hỏi liệu mình đã trở thành "người tiêu dùng thông thái" để tránh mua phải những loại hoa quả sử dụng thuốc nhập lậu có chất độc hại để thúc chín? Nhưng nay, dường như chuyện đó đã nhàm. Đi chợ có mua con cá, con tôm, miếng thịt, cho tới mớ rau, cân bún, con gà… cũng chẳng biết thế nào là an toàn. Tất cả đều dựa vào cảm nhận trực quan và "tin nhau là chính" giữa người bán và người mua. Cũng đã qua rồi cái thời người ta "mượn" nhau con sâu để bán mớ rau. Thịt gà mổ sẵn, dấu kiểm dịch đóng nhòe nhoẹt cũng chưa chắc đã đáng tin vì từng có chuyện người làm công tác này "tâm sự" chỉ cần nhìn bằng mắt thường là biết thực phẩm có bảo đảm an toàn hay không. Tới một ngày đẹp trời, các "thượng đế" tẩy chay mặt hàng này, quay lưng lại với mặt hàng khác. Bà con nhà nông lại khổ sở, điêu đứng giải thích, thanh minh. Không chỉ có vậy, nhiều người phá sản, nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, trắng tay…
Tóm lại là người mua khổ, người bán cũng khổ, người trực tiếp sản xuất càng khổ. Đó là câu chuyện không mới và đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề về công tác quản lý hiện nay.
Trở lại với vụ việc phát hiện 1.500 ống thuốc làm chín hoa quả có nhãn mác Trung Quốc nằm ngoài danh mục. Đây chính là chất điều hòa sinh trưởng (thúc chín trái cây). Trên thế giới, một số quốc gia đã cho phép sử dụng các hoạt chất an toàn để xử lý hoa quả sau thu hoạch. Song tại Việt Nam, theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN&PTNT), hiện chưa cho phép sử dụng bất kỳ một loại hóa chất bảo vệ thực vật nào để điều hòa sinh trưởng. Vị này cho biết thêm, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm đưa ra danh mục chất điều hòa sinh trưởng và chất bảo quản. Sau đó, khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu và tạo điều kiện khảo nghiệm nhanh, trước khi đưa vào sử dụng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu, danh mục trên phải hoàn thành và ban hành ngay trong tháng 9. Tuy nhiên, tới giờ phút này thì vẫn phải chờ…
Quy mô sản xuất của Việt Nam hiện nay là nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Để có một lứa sản phẩm bán ra thị trường đúng kỳ thu hoạch là không dễ dàng, do đó nhu cầu sử dụng thuốc thúc chín trái cây của bà con là chính đáng. Tuy nhiên, không có ai đáp ứng điều đó, nói cách khác là chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này. Ở một khía cạnh khác, cơ quan quản lý lại chưa đưa ra được loại hóa chất nào là an toàn, đủ điều kiện sử dụng. Vậy là hàng lậu tràn vào, bà con nông dân dấm dúi sử dụng để "tự cứu" lấy mình, còn các "thượng đế" cố gắng trở thành "nhà thông thái"…
Còn rất nhiều việc trong lĩnh vực bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người cũng rơi vào cảnh tương tự như đã nêu. Song chắc chưa phải chuyện… quan trọng nên các cơ quan được Nhà nước giao chức năng quản lý vẫn "bình chân như vại". Cũng không thấy cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm. Phải chăng vì vậy mà vấn đề trở thành "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và người tiêu dùng cần phải tự thân vận động để thích nghi với sự tù mù của thị trường như hiện nay?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.