(HNNN) - Năm huyện gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đang trong lộ trình trở thành quận vào năm 2025. Thành phố cũng đang tiến hành xây dựng Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Những thông tin trên khiến tình hình bất động sản tại một số huyện ngoại thành “nóng lên”... Tuy nhiên, người dân, nhà đầu tư cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ khi giao dịch.
Giá đất ngoại thành tăng
Trong vai một người có nhu cầu mua đất, chúng tôi sang khu vực Gia Lâm, Đông Anh, những huyện có nhiều triển vọng khi sắp lên quận và nằm trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Thông tin mua bán đất tràn ngập trên mạng internet. Về địa phương, cũng không khó bắt gặp vô số biển báo môi giới mua bán đất treo trên tường, cột điện, thậm chí cả hàng rào.
Dẫn chúng tôi đi xem một số mảnh đất ở huyện Gia Lâm, anh Vũ Thế Hoài (một người môi giới) cho biết, thời gian qua giá đất trên địa bàn có tăng, mức tăng thì tùy khu vực, diện tích. Chỉ một mảnh đất 50m2 có căn nhà 4 tầng ở thôn Vàng, xã Cổ Bi, anh Hoài cho biết, có người vừa mua với giá 1,6 tỷ đồng trong quý III/2020, đến quý I/2021 đã “sang tay” với giá 1,9 tỷ đồng.
Chị Trịnh Quỳnh Trang, một điều dưỡng làm thêm nghề “tay trái” môi giới đất đai cũng cho biết, nếu như năm ngoái, một căn nhà 30m2 ở khu vực phường Thượng Thanh giá chỉ khoảng 1,9 - 2 tỷ đồng, thì nay cũng tăng lên 2,1 - 2,2 tỷ đồng. Dẫu vậy, số lượng những căn nhà “vừa tầm” như vậy không nhiều.
Qua cầu Đông Trù sang huyện Đông Anh, giá đất còn có diễn biến “nóng hơn”. Một người dân ở xã Mai Lâm cho biết, nếu như năm 2020, mức giá một số thửa đất trong làng chỉ ở quanh mức 25 triệu đồng/m2 thì nay chủ đất đòi 30 - 35 triệu đồng/m2. Những mảnh có địa thế đẹp, nằm ở trục liên thôn, liên xã, chủ đất “đòi” mức giá 40 - 50 triệu đồng/m2. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các xã Đông Hội, Tàm Xá, Xuân Canh... Đặc biệt, bà Đỗ Thị Thủy ở thị trấn Đông Anh cho biết, nhiều lô đất quanh khu vực trung tâm có mức giá được rao bán lên đến trên dưới 100 triệu đồng/m2.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có hiện tượng tăng “nóng” ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Cụ thể, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận có mức tăng bình quân khoảng 20 - 30%. Giá đất tại một số nơi thuộc Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên ở mức 30 - 50 triệu đồng/m2.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, giá đất tăng nên nhiều người dân lao vào kinh doanh, môi giới đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Về nguyên nhân dẫn đến đất tăng giá, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, một phần do các nhà đầu tư lợi dụng thông tin quy hoạch để đẩy giá lên cao, bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lãi suất ngân hàng thấp nên nhiều người dân cũng muốn đầu tư vào bất động sản vì cho rằng đây là kênh an toàn, có nhiều cơ hội trong tương lai.
Tại cuộc tọa đàm mang chủ đề “Giải mã cơn sốt đất” do Báo Tiền phong tổ chức đầu tháng 4-2021, ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cũng đưa ra quan điểm tương tự. Nhận định đó càng có căn cứ khi được biết, tín dụng lĩnh vực bất động sản quý I/2021 tăng 2,13% so với cuối năm 2020.
Minh bạch thông tin, cẩn trọng về tính pháp lý
Tình trạng “sốt đất”, nhất là “sốt ảo” liên quan nhiều tới các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng, nhất là các dự án lớn như sân bay, cao tốc, đại đô thị... đang trong quá trình nghiên cứu triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố. Do thông tin chưa rõ ràng nên qua đội ngũ môi giới, kinh doanh bất động sản, giá đất thường được đẩy lên cao.
Tại cuộc tọa đàm mang chủ đề “Giải mã cơn sốt đất” nói trên, ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng: Người dân thường có “tâm lý đám đông”. Việc lao theo các cơn “sốt đất” để đầu tư có thể gây ra hiện tượng “bong bóng” và có thể phát sinh hậu quả. Đáng lo hơn là nếu không cẩn trọng thì người dân có thể mua đất thuộc những dự án chưa bảo đảm yêu cầu pháp lý, tiềm ẩn rủi ro lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian vừa qua, các địa phương rất tích cực triển khai lập quy hoạch tại địa phương theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, quan tâm đầu tư, phát triển các dự án đô thị, dự án nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn nên tác động đến giá đất. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm những ai gây ra hiện tượng “sốt đất ảo”. Cụ thể là tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt về mặt trình tự, thủ tục đầu tư.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng, nhất là tín dụng trong bất động sản để tránh “rủi ro kép” trong lĩnh vực này. Đối với các địa phương, cần thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án nhằm minh bạch, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi như đã xảy ra trong thời gian vừa qua...
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 104-TB/TU ngày 4-1-2021 thông báo Kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với Sở Xây dựng và ngành Xây dựng; chỉ đạo của Bộ Xây dựng, ngày 22-4-2021, UBND thành phố đã có Công văn số 1153/UBND-ĐT gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về việc tăng cường quản lý tình hình bất động sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá lên cao để thu lợi bất hợp pháp.
Sở Xây dựng tổ chức kịp thời, nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường, các sàn giao dịch bất động sản và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Các địa phương cũng có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương...
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, trên thực tế, thời gian gần đây, cơn “sốt đất” đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.