Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng với chứng khô mắt, mỏi mắt

An Hà| 10/09/2021 05:02

(HNMCT) - Việc học hành, làm việc, giải trí, sinh hoạt của nhiều người trong thời gian giãn cách gắn liền với các thiết bị điện tử. Việc phải nhìn màn hình trong thời gian dài có thể dẫn đến các hệ lụy về mắt mà khởi điểm là khô mắt, mỏi mắt.

Lạm dụng tivi, điện thoại

Giãn cách khiến người phải làm việc online, thời gian tiếp xúc với tivi, máy tính, điện thoại rất lớn. Tình trạng này nếu kéo dài mà mỗi người không biết cách bảo vệ mắt sẽ khiến mắt bị mỏi, gia tăng tốc độ lão hóa tế bào mắt, tầm nhìn ngày càng hạn chế, thị lực giảm nhanh. Bên cạnh đó, các cơ quanh mắt sẽ đau mỏi, liên đới đến đầu và hệ thần kinh... Chị Phan Thị Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, là kế toán nên khi làm việc tại nhà chị phải tập trung cao độ vào số liệu trên màn hình máy tính để tránh sai sót. Ngoài ra, chị Ngọc Anh còn làm thêm công việc bán hàng online. Việc thường xuyên kiểm tra đơn hàng trên website, các sàn thương mại điện tử, sau đó làm các file báo cáo số liệu, tư vấn khách hàng... đã khiến chị bị mỏi mắt, khô và ngứa.

Trong những ngày giãn cách, nhiều người còn mải mê “cày phim”, đọc truyện, chơi game, khiến mắt phải làm việc liên tiếp trong nhiều giờ. Điều này rất nguy hiểm bởi khi phải tiếp xúc gần với thiết bị điện tử trong thời gian dài, mắt là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), khi thấy mắt có cảm giác cay, khô rát, cộm như có cát trong mắt, hình ảnh và chữ trên màn hình nhòe đi thì đó là mắt của chúng ta đang bị mỏi và khô. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhãn cầu và nguy cơ giảm thị lực.

“Bình thường mỗi người sẽ chớp mắt từ 15 - 20 lần/phút, để tráng qua một lớp nước mắt. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tần số chớp giảm hơn 50%. Khi đó, mắt tiếp xúc lâu với môi trường ngoài, màng nước mắt của bạn không được bổ sung, dẫn đến việc mắt mỏi và khô” - bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay.

Để mắt được thư giãn

Để khắc phục tình trạng mỏi mắt, khô mắt, PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, mỗi người phải có chế độ làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Nên nghỉ 15 phút sau 2 hoặc 3 tiếng làm việc, hạn chế xem tivi, điện thoại quá lâu. Chúng ta có thể nhắm mắt, massage quanh mắt, chườm ấm nếu mắt mệt mỏi. Người dân cần chớp mắt thường xuyên hơn khi sử dụng máy tính hoặc đọc sách, để đôi mắt được giữ ẩm và được cung cấp oxy. Ngoài ra, chớp mắt còn giúp làm sạch bụi bẩn bám trong mắt, cho phép não nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, tăng hiệu quả làm việc.

Còn theo bác sĩ Trần Thế Hưng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), để giảm ảnh hưởng có hại cho mắt, nên cân đối thời gian làm việc với máy tính và nghỉ ngơi, đảm bảo đủ ánh sáng ở khu làm việc, ngồi đúng tư thế và tránh nhìn sát vào màn hình máy tính. Theo đó, người dân có thể áp dụng tỷ lệ thời gian 20:20:20 (làm việc với máy tính khoảng 20 phút thì nên nghỉ 20 giây và nhìn xa ra cửa sổ, bầu trời khoảng 6m).

Mỗi người cần chú ý duy trì khoảng cách màn hình máy tính phù hợp. Màn hình máy tính cần được điều chỉnh cách mắt 50 - 60cm và tâm màn hình thấp hơn mắt từ 10 - 20cm, bàn phím nên đặt cách mắt 30 - 40cm. Với smartphone, khoảng cách tốt nhất từ mắt đến màn hình điện thoại là khoảng 30 - 40cm. Cách đơn giản là dùng tay để đo khoảng cách, mỗi gang tay người lớn ước chừng 20cm. Đặc biệt, cần đảm bảo bàn làm việc có ánh sáng vừa đủ, tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng chói. Nếu quá tối thì nên dùng thêm đèn bàn có chụp, đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình.

Ngoài ra, người dân nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại vitamin C, vitamin E, axit béo omega-3, kẽm để giúp hạn chế tối đa các bệnh về mắt. Một số loại thực phẩm cụ thể được khuyến cáo sử dụng như rau, củ, quả đậm màu, cà rốt, gấc, rau lá xanh, trứng, cá hồi... Bên cạnh đó, cần bổ sung ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với chứng khô mắt, mỏi mắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.