Góc nhìn

Cẩn trọng trước trào lưu phô trương, khoe mẽ

Mai Lâm 21/07/2023 - 06:16

Một trong những chủ đề đang được cộng đồng mạng xã hội bàn thảo sôi nổi trong thời gian gần đây là trào lưu “flex” (phô trương, khoe thành tích, giá trị bản thân). Dù mới được lập chỉ vài tháng nhưng một nhóm “flex” trên Facebook đã thu hút tới 1,2 triệu thành viên tham gia. "Chủ đề khoe" vô cùng đa dạng: Người khoe thành tích học tập, người khoe thành tích thể thao, người thể hiện khả năng chơi điện tử giỏi...

Trên thực tế, việc khoe mẽ, thể hiện trên mạng xã hội, thế giới ảo đã diễn ra từ nhiều năm qua. Dễ nhận thấy nhất là nhiều người khoe việc thường xuyên đi du lịch, khoe nhà cửa, xe cộ, con cái và cả việc khoe sắc vóc bản thân... Cũng có người thích thể hiện đạo lý khi thường xuyên trích dẫn, đăng những bài viết về nội dung này. Đây cũng là điều bình thường theo “tháp nhu cầu” của Maslow, đó là khi đã được thỏa mãn nhu cầu sinh lý cơ bản, an toàn ở tầng dưới, con người sẽ theo đuổi những nhu cầu cao hơn về tinh thần, muốn được cộng đồng yêu thương, nể trọng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là tác động vô cùng to lớn từ đại dịch Covid-19 (làm gián đoạn nhu cầu đi lại, giao lưu, gặp gỡ), nhu cầu trao đổi, liên lạc và thể hiện bản thân trên mạng xã hội càng có cơ hội phát triển.

Tất nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt. Việc thể hiện, khẳng định những giá trị tốt đẹp, lan tỏa thông điệp, lối sống tích cực tới cộng đồng luôn được xã hội hoan nghênh, đón nhận. Thế nhưng, cũng có không ít bạn trẻ khoe khoang hợm hĩnh hoặc thể hiện những “chiến tích” xấu xí, thậm chí tụ tập, lôi kéo để làm những việc không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo lý, vi phạm quy định pháp luật. Cái xấu có thể được giới trẻ đón nhận một cách dễ dàng, nhanh chóng hùa theo. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ ở nước ta mà còn cả trên thế giới. Không ít vụ bạo loạn tại nhiều quốc gia xảy ra do được kêu gọi, kích động trên mạng xã hội mà minh chứng rõ nhất chính là vụ bạo loạn, cướp bóc xảy ra tại Pháp trong thời gian vừa qua. Ở một góc độ khác, việc “nghiện” khoe khoang bản thân cũng có thể gây hại cho “khổ chủ”, khiến họ hoang tưởng, lầm tưởng về giá trị bản thân, có thể trở thành “tù nhân”, “nô lệ” của mạng xã hội. Đó là chưa kể nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, khai thác hình ảnh, thông tin để lừa đảo hoặc phục vụ những mục đích xấu khác. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã không ít lần loan tin, cảnh báo về các vụ trộm cắp xảy ra do chủ nhà thường xuyên cập nhật, “khai báo” chính xác địa điểm du lịch của gia đình. Rõ ràng, nếu không tỉnh táo, cẩn trọng, việc khoe khoang có thể dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc cho chính mình.

Một vấn đề khác cần được đặt ra, đó là những thông tin phô trương, khoe mẽ trên các nhóm, diễn đàn mạng xã hội ngày càng nhiều và thường là không thể kiểm chứng. Không ít nhân vật tự khoác cho mình “chiếc áo” hào nhoáng, bóng bẩy để sống ảo nhằm mục đích câu “view”, câu “like”, đánh bóng bản thân. Nhiều vụ lừa đảo, phạm tội được phanh phui trong thời gian qua là bài học để cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ “sáng mắt” về thần tượng trên mạng xã hội của mình.

Chia sẻ, lan tỏa những giá trị tích cực, kỹ năng, kinh nghiệm sống... của bản thân để mọi người học tập, tham khảo là điều đáng hoan nghênh, luôn được xã hội (cả thật lẫn ảo) đón nhận và khuyến khích. Nhưng, như đã nói, thông tin trên mạng xã hội phần nhiều không được kiểm chứng, do vậy, mỗi cá nhân cũng cần tìm hiểu, phân tích kỹ để tránh bị “dắt mũi” hùa theo những việc làm sai trái, không đúng thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng trước trào lưu phô trương, khoe mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.