(HNMO) - Theo Công an thành phố Hà Nội, trong các ngày từ 8-1 đến 16-1-2022, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 5 vụ án liên quan đến cướp tài sản rất manh động và liều lĩnh. Có trường hợp tội phạm theo dõi nạn nhân qua mạng xã hội sau đó trực tiếp đến nhà gây án. Đáng lưu ý, 5 vụ cướp trên chỉ trong vòng chưa đầy 24h các lực lượng nghiệp vụ đã nhanh chóng xác định, bắt giữ đối tượng.
Cụ thể: Vụ cướp tài sản ngày 8-1 tại chung cư HH1A Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai); vụ cướp tài sản ngày 14-1 tại số nhà 19, ngõ 47 đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm); vụ cướp tài sản của lái xe taxi ngày 14-1 tại đường Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); vụ cướp tài sản của lái xe taxi ngày 15-1 tại đường Đỗ Quang (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); vụ cướp tài sản ngày 16-1 tại Công ty Thanh Hà, thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất).
Báo cáo sơ kết về kết quả 1 tháng thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 15-12-2021 đến 13-1-2022), Công an thành phố cho biết, đã phát hiện 201 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 59 vụ so với thời gian liền kề trước đó). Hầu hết các loại tội danh đều tăng, nhất là tội phạm cướp tài sản và cướp giật....
Nhận định tình hình, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân gây mất an ninh trật tự trên địa bàn là do ý thức cảnh giác của người dân về tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản cá nhân còn thấp. Trong đó có các vụ cướp tài sản xảy ra đối với lái xe taxi. Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo, nhưng người lái xe vẫn nhận và chở khách đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường, không rõ điểm đến để đối tượng lợi dụng gây án. Cùng với đó, công tác nắm tình hình, quản lý trên các trang mạng xã hội của cơ quan chức năng còn chưa chủ động, kịp thời phát hiện các thông tin liên quan để tổ chức phòng ngừa, đặc biệt là các hội, nhóm kín, có tư tưởng tiêu cực, vi phạm pháp luật...
Đánh giá thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiều đối tượng tội phạm trở nên manh động, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, thủ đoạn của các đối tượng là gắn kết với nhau trên mạng xã hội. “Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp tài sản xảy ra, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân không công khai các thông tin cá nhân, địa chỉ, hình ảnh của bản thân, con cái, người thân trong gia đình; không khoe khoang, thể hiện sự giàu có trên các hội, nhóm mạng xã hội để làm mục tiêu cho các đối tượng gây án để ý, theo dõi”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, những người hành nghề xe ôm, lái xe taxi, các tổ chức kinh doanh vận tải cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tham gia các buổi tuyên truyền do công an hoặc cơ quan chức năng tổ chức để tìm hiểu về phương thức thủ đoạn, cách phòng ngừa tội phạm, hạn chế trường hợp bắt khách dọc đường, bắt khách không thông qua ứng dụng, chủ động phát hiện các trường hợp khách có biểu hiện nghi vấn đi lòng vòng, đi đến khu vực vắng người, không có điểm đến rõ ràng. Khi bị các đối tượng khống chế, đe dọa để cướp tài sản thì phải thật bình tĩnh, chấp hành các yêu cầu của đối tượng, không nên chống lại, lợi dụng sơ hở của đối tượng thì thoát ra khỏi xe, hô hoán để được hỗ trợ.
“Đối với các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, doanh nghiệp... không nên trưng bày quá nhiều vàng bạc, đá quý làm đối tượng chú ý, làm mục tiêu gây án; nên đóng cửa hàng trước 18h hằng ngày. Chủ động tổ chức lắp đặt hệ thống chuông báo động kết nối cơ quan công an và camera giám sát. Định kỳ kiểm tra chất lượng hoạt động của hệ thống chuông báo động và camera giám sát. Rà soát, kiểm tra đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tại cửa hàng bảo đảm có sức khỏe tốt, trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định, có thể khống chế, bắt giữ đối tượng khi cần thiết”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.