Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng trước nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị

Hà Hoa - Ảnh: Bùi Việt| 03/07/2017 15:39

(HNMO) - Với nhiều quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, trong đó có nhiều hành động quyết đoán, kịp thời, mang lại hiệu quả tích cực và toàn diện, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Thanh Xuân) cho rằng Hà Nội đang từng bước thay đổi cách nhìn của dư luận về



ĐB Nguyễn Phi Thường (Thanh Xuân).


Ngày 3-7, thảo luận tại kỳ họp thứ tư HĐND thành phố Hà Nội khóa XV về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017 của thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu quan điểm thẳng thắn, đặc biệt đi sâu phân tích những hạn chế, tồn tại và kiến nghị các giải pháp để TP vượt qua khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

ĐB Nguyễn Phi Thườngcho rằng, mỗi ĐB dự Kỳ họp HĐND đều cảm nhận rõ nét về sự chuyển mình của Thủ đô, một Hà Nội vừa sâu lắng, văn hiến ngàn năm, vừa trẻ trung, năng động và tích cực hội nhập. Tuy nhiên, Thủ đô cũng đang gặp phải rào cản, thậm chí là những nguy cơ cần được nhận diện. Đó là nguy cơ tụt hậu trong quản lý và vận hành quản lý đô thị. Cuộc cạnh tranh cách mạng công nghệ 4.0 kéo theo trật tự thế giới được cấu trúc lại. Công nghệ và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một xã hội hoàn toàn mới.

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng có 3 nội dung thành phố cần quan tâm: Định hình khung quy chuẩn của TP, xã hội thông minh, trong đó lựa chọn nhóm lĩnh vực then chốt đặc trưng riêng của Hà Nội để triển khai trước như văn hoá,  du lịch, giáo dục, y tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy; tập trung nguồn lực về nhân sự, tài chính để đầu tư xây dựng chính quyền thông minh, công nghệ số; xem xét thành lập Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp 4.0 của Thủ đô.

Nhất trí với các tồn tại, hạn chế như trong báo cáo của UBND TP, ĐB Dương Đức Tuấn (Hoàn Kiếm) đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp như: rà soát các điểm giao thông tĩnh, khảo sát nhu cầu trông giữ phương tiện; nghiên cứu phương án thu tiền trông giữ xe; nghiên cứu bãi đỗ xe ngầm; tiến hành phân làn, phân luồng, bổ sung biển báo giảm ùn tắc giao thông; mở rộng mạng lưới vận tải công cộng; đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình cao tầng; rà soát kế hoạch cải tạo các chợ trên địa bàn; đảm bảo VSATTP và an sinh xã hội; hỗ trợ bố trí kinh doanh hợp lý cho các hộ kinh doanh tại các chợ xã hội hóa; đẩy mạnh đào tạo nghề...

ĐB Dương Đức Tuấn (Hoàn Kiếm).


Đối với các quận nội đô, nội thành, ĐB đề nghị UBND các quận nghiên cứu, lập hệ thống các chốt trực, khai thác camera an ninh của công an, camera giao thông, xử lý nghiêm vi phạm trật tự công cộng, giao thông; trang bị hệ thống camera đồng bộ trên địa bàn TP; duy trì công tác kiểm tra thường xuyên, liên tục..

ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng mới đạt 7,37% so với kế hoạch tăng trưởng cả năm là 8,5-9%. Như vậy, 6 tháng cuối năm, Hà Nội phải đạt mức tăng trưởng trên 9,5%. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và cần nhiều giải pháp đột phá. Trước tình hình đó, ĐB đề xuất một số giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại và định hướng hỗ trợ doanh nghiệp. 

Chỉ cần ngành dịch vụ tăng 1% sẽ có đóng góp lớn hơn rất nhiều so với các ngành khác. Do đó, TP cần xúc tiến các chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua chương trình xúc tiến thương mại, bình ổn giá, các chợ cuối tuần, chợ hàng giá gốc và các sản phẩm tài chính hỗ trợ người tiêu dùng, đẩy mạnh chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm chủ lực của Thủ đô. 


"Người tiêu dùng Thủ đô hiện nay có thu nhập khá cao, nhu cầu tiêu dùng tăng. Tuy nhiên, do chất lượng sản phẩm dịch vụ, VSATTP chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nên rất nhiều người tiêu dùng quay sang sử dụng hàng nhập khẩu. Tôi đề nghị phải dùng “bàn tay sắt” trong vấn đề xử lý sản phẩm không bảo đảm chất lượng, VSATTP, hàng giả, hàng nhái. Chúng ta tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ tốt nhưng cũng phải xử lý mạnh tay với những sản phẩm kém, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, tạo lòng tin để kích cầu mua sắm hàng Việt Nam" - ĐB Đoàn nói.

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hoàng Mai).


Ngoài các thực trạng nêu trên, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hoàng Mai)góp ý, tình hình tội phạm về tham nhũng và chức vụ, các tội phạm về mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý, cướp giật tài sản, đâm chém đòi nợ thuê, bảo kê, tội phạm xâm phạm trẻ em có chiều hướng gia tăng; một số ổ nhóm tội phạm có hành vi manh động, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhân dân; tình hình cháy nổ trên địa bàn có những diễn biến phức tạp...

ĐB Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, UBND TP chỉ đạo CATP xây dựng các giải pháp, kế hoạch cụ thể để khắc phục ngay những hạn chế, trong đó tăng cường nắm chắc tình hình, đưa ra dự báo chính xác và có chỉ đạo kịp thời trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô, đặc biệt lưu ý những điểm, địa bàn nông thôn đang có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng trước nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.