(HNMO) - Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực nuôi tôm và cá tra lớn nhất cả nước, phần lớn dành cho xuất khẩu. Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với tín hiệu vui khi giá các loại thủy sản này tăng cao, còn có những vấn đề vướng mắc cần được giải quyết để ngành Thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Hiện có hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu tôm đến 103 thị trường trên thế giới. Một số thị trường lớn trong số này là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Anh… Bước sang năm 2022, chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 550 triệu USD, chiếm hơn 36,5% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Trong khi đó, từ đầu năm 2022 đến nay, người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi vì giá thu mua lên cao. Ông Trương Chí Duyệt, một nông dân nuôi cá tra tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cá tra tăng nhanh và đang ở mức cao, hơn 30.000 đồng/kg. Người nuôi cá tra lãi hơn 5.000 đồng/kg nên rất phấn khởi”. Hiện nay, cá tra Việt Nam được chế biến và xuất khẩu nhiều sang Mỹ, châu Âu, Trung Đông…
Tuy có nhiều tín hiệu vui đến với người nuôi tôm và cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đi cùng với đó là những vấn đề mới phát sinh, cần giải quyết. Đáng chú ý là tỷ lệ nuôi tôm công nghệ cao, chất lượng tốt mới chỉ chiếm 10% tổng diện tích nuôi thả. Người nuôi còn dùng nhiều kháng sinh, hóa chất… khi nuôi nên chưa chinh phục được thị trường khó tính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, ngành nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đồng đều, dẫn đến chênh lệch lớn về hiệu quả giữa các mô hình sản xuất, nên rất cần có quy hoạch chung cho toàn vùng.
“Đơn cử, bình quân năng suất tôm của cả nước là hơn 1 tấn/ha; Sóc Trăng đạt hơn 3 tấn/ha, nhưng Cà Mau chỉ đạt 750kg/ha, nguyên nhân một phần do chất lượng con giống kém”, ông Lê Văn Sử nói.
Với cá tra, khi giá và sức mua đang tăng lên, nhiều hộ dân ở các địa phương đang có xu hướng tăng nhanh diện tích nuôi, kéo theo giá cá giống tăng cao. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) Trần Văn Hùng cho rằng, việc giá cá tra tăng chỉ là ngắn hạn, thị trường chưa ổn định. Nếu người nuôi nóng vội tăng nuôi theo phong trào mà không gắn với thị trường, sẽ đối mặt với nguy cơ giá thu mua giảm, mất cân đối cung cầu như đã từng xảy ra năm 2018, khiến giá cá tra 3 năm sau đó giảm sốc.
Các ban, ngành chức năng trung ương cũng đã kịp thời đưa ra khuyến cáo với người nuôi tôm, cá tra và các địa phương, doanh nghiệp liên quan... Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý các địa phương một số vấn đề liên quan sau chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới đây. Theo đó, các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm phía Nam cần tập trung tăng sản lượng nuôi thả trên một đơn vị diện tích, giảm tỷ lệ nuôi tôm ao đất, nâng cao chất lượng con giống và làm tốt việc truy xuất nguồn gốc tôm để đạt chỉ tiêu 750.000ha nuôi tôm trong năm 2022, sản lượng đạt 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu phấn đấu vượt 4 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng từ 10 đến 20% trong năm 2022.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, khi nhu cầu đang tăng nóng, các hộ nuôi cá tra cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm dự báo đúng cung cầu, tránh dư thừa. Các bên cần sớm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra; đồng thời, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Nếu làm tốt chất lượng giống và cá nguyên liệu, tái nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 của Việt Nam dự báo tăng 20-25% với giá tăng 5% so với mức 1,6 tỷ USD của năm 2021", ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.