Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nuôi tôm rừng dưới tán rừng thích ứng với biến đổi khí hậu ở Cà Mau

Thanh Huyền| 30/05/2023 10:03

Phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau đang là cách làm hay, hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ và phát triển rừng.

Với lợi thế diện tích 35.000ha rừng ngập mặn, trong đó tập trung nhiều ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với chủ rừng, người dân triển khai dự án phát triển chuỗi tôm - rừng. Người dân tham gia chuỗi này được doanh nghiệp hỗ trợ giống chất lượng cao và dịch vụ môi trường rừng nên thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể.

Cùng đó, với sự hỗ trợ từ Tiểu Dự án 8 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ben biển tỉnh Cà Mau, thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL), việc nuôi tôm trong môi trường rừng ngập mặn ở Cà Mau đạt hiệu quả rất khả quan.

Nuôi tôm dưới tán rừng là mô hình vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Theo ông Đoàn Thiện Tính, ở ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) - một trong những hộ triển khai mô hình của Dự án MD-ICRSL - khó khăn lớn nhất trong nuôi tôm rừng là nguồn nước vì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong ao nuôi rất lớn.

Khi tham gia dự án, ông Tính và nhiều hộ dân được tập huấn kỹ thuật, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học giúp việc nuôi tôm thuận lợi hơn. “Khi tham gia dự án, cách làm hiệu quả cao hơn so với các năm trước. Con tôm bán ra giá cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cũng đến hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm”, ông Tính chia sẻ.

Hiện toàn xã Tân Ân Tây hiện có hơn 3.300ha tôm rừng với 1.500 hộ tham gia. Việc Dự án MD-ICRSL hỗ trợ trên địa bàn xã góp phần đáng kể vào việc thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân từ canh tác truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo Ban quản lý Tiểu Dự án 8, đến tháng 11-2022, Dự án đã hỗ trợ thành lập được 60 tổ nhóm, với trên 3.200 người tham gia, triển khai trên 10.600ha diện tích nuôi tôm rừng đạt chứng chỉ quốc tế, tạo ra giá trị 249 tỷ đồng/vụ. Hiệu quả tài nguyên nước tăng lên rõ rệt, khi lượng nước sử dụng đã giảm 120.000 khối/năm/4ha; như vậy, với trên 10.600ha, lượng nước đã giảm khoảng 319 triệu khối/năm.

Hiện ở Cà Mau, các tổ chức đã chứng nhận cho hơn 19.000ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, ASC, BAP… Trước thách thức của biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm - rừng là phương thức nuôi gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngặp mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn carbon xanh phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới.

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO Thủy lợi), qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.

Để tăng cường thêm các nguồn lực cho ĐBSCL, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo về đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (WB11).

Cà Mau có lợi thế diện tích rừng ngập mặn lớn để phát triển chuỗi tôm rừng.

Theo tổng hợp đề xuất của CPO Thủy lợi, Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.

Bước đầu đề xuất, Dự án WB 11 có 3 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin. Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng. Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để Dự án WB 11 mang lại thành công, dự án phải nhận được sự đồng thuận, tham gia từ ban đầu của nhiều bên như 9 tỉnh vùng ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới và các đơn vị liên quan. Lãnh đạo Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực để tháng 12-2023 có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi tôm rừng dưới tán rừng thích ứng với biến đổi khí hậu ở Cà Mau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.