(HNM) - Mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, song quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến kết quả không đạt mục tiêu đề ra. Để thúc đẩy loại hình nhà ở này nhằm giải quyết nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần có “trợ lực” về cả khuôn khổ pháp lý và nguồn vốn.
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn hộ, tương ứng hơn 7.790.000m2 sàn nhà ở. Trong đó, có 175 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.090 căn hộ, tương ứng khoảng 4.654.480m2 sàn và 126 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô khoảng 62.700 căn hộ, tương ứng khoảng 3.130.000m2 sàn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng thừa nhận, kết quả này vẫn chưa đạt mục tiêu (tính đến năm 2020) hoàn thành 12.500.000m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, là do cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn những bất cập. Cụ thể như quy định xác định tiền sử dụng trong thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi thực hiện giao đất, dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính kéo dài thêm 1-2 năm; quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án còn chồng chéo, chưa thống nhất... Trong khi đó, quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa thực chất. Các ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi... thực chất chỉ người dân được hưởng, do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, cho mua nhà ở xã hội...
Đặc biệt, theo các chuyên gia bất động sản, nếu như thời gian trước đây, nhà ở có giá vừa túi tiền với đa số người dân chiếm tỷ trọng 40-50% nguồn cung ra thị trường, thì mấy năm gần đây, phân khúc này chiếm tỷ trọng rất nhỏ, thậm chí dưới 10%. Trong tình hình thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay và cơ cấu sản phẩm bất động sản bất hợp lý, các chuyên gia cho rằng cần sớm tháo gỡ về cơ chế và có những "trợ lực" cần thiết để gia tăng nguồn cung phân khúc nhà ở này.
Cần thiết thí điểm một số chính sách
Để giải bài toán khó về nhà ở hiện nay, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội (Tập đoàn Tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế Savills) Đỗ Thu Hằng cho rằng, đối với dự án căn hộ vừa túi tiền, cần có cơ chế thúc đẩy, tháo gỡ riêng để chủ đầu tư thấy rằng lợi nhuận kỳ vọng phù hợp với chi phí đầu tư và công sức bỏ ra, từ đó thúc đẩy tham gia thị trường.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ “khủng khoảng đóng băng” 2008-2011. Chỉ khi Chính phủ đưa ra gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, thị trường mới hồi phục và tăng trưởng trở lại. Do đó, cần sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn tín dụng có lãi suất ưu đãi.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tạo chỗ ở ổn định cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng, hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Để gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho rằng, cần thiết phải rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính… được quy định trong Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu, lấy ý kiến, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV (tháng 10-2023). Nếu chờ Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1-7-2024), thì không giải quyết được ngay những nút thắt hiện nay.
Vì vậy, việc sớm nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết và cấp bách. Trong đó, sửa đổi các quy định về giao đất đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng giao đất không thu tiền sử dụng đất; chủ đầu tư dự án không bắt buộc phải dành 20% số lượng căn hộ để cho thuê; coi việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương…
Để bảo đảm nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (giống gói 30.000 tỷ đồng trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Đây là nguồn “vốn mồi” và là “trợ lực” thiết thực giúp tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.