(HNMO) - Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu đang diễn ra sôi nổi ở các địa phương nhưng đã xuất hiện nhiều hiện tượng đáng buồn như phát lộc tự phát gây phản cảm, tranh cướp lộc, đổi tiền lẻ… Điều này tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc ứng xử văn minh trong lễ hội.
Mùa lễ hội Xuân 2017 dù được cảnh báo và có sự chuẩn bị nhưng vẫn có nhiều hình ảnh phản cảm. (ảnh trong ngày khai hội chùa Hương: Zing.vn) |
Tiếp tục điều chỉnh những lễ hội không phù hợp
Một điều ghi nhận là công tác tổ chức lễ hội những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, do lãnh đạo từng địa phương, Ban tổ chức (BTC) ở các lễ hội đã thực sự quan tâm tới việc lập kế hoạch chi tiết, lên các phương án tổ chức; trong đó có nhiều biện pháp tăng cường an ninh. Với sự nỗ lực của cơ quan quản lý văn hóa, một số lễ hội có tính chất bạo lực, phản cảm đã được hạn chế, ví như những lễ hội có tính chất hiến sinh (như chọi trâu) nếu không phải là lễ hội truyền thống đều bị hủy bỏ; Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức công khai nghi lễ chém lợn ở chỗ công cộng; Tục treo đầu trâu trong ngày hội đền Đông Cuông tại Văn Yên (Yên Bái) được hủy bỏ; Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã tăng cường hàng rào bảo vệ, an ninh và không cho phép đoàn rước mang gậy để tránh xô xát, bạo lực; Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) không tổ chức cướp phết cho người dự hội mà chỉ là cuộc chơi của những người dân địa phương…
Tuy được lên các phương án chuẩn bị khá kỹ, nhưng đáng buồn là ở nhiều lễ hội vẫn xuất hiện những hiện tượng phản cảm, hình ảnh xấu xí khiến nhiều người bức xúc. Điển hình là việc phát lộc tự phát tại chùa Hương để xảy ra tình trạng đám đông hỗn loạn, chen lấn; Lễ hội Đền Sóc dù không có cảnh cướp lộc bằng gậy như năm trước nhưng vẫn xảy ra tình trạng “hỗn chiến” chen cướp; Hội phết Hiền Quan không thể nào ngăn được tình trạng hàng trăm thanh niên xé rào vào khu đã được bảo vệ; Lễ hội khai chữ, khai ấn đầu xuân của một địa phương ở Quảng Ninh dùng bản khắc sai chính tả… Những hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền tùy tiện ở những nơi thờ tự vẫn thấy ở những điểm tôn giáo như phủ Tây Hồ (Hà Nội), xát tiền vào chân Phật tại chùa Bái Đính (Ninh Bình)…
Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn) vẫn diễn ra cảnh chen lấn giành hoa tre |
Trước những hành vi sai phạm, hiện tượng phản cảm đang diễn ra tại một số lễ hội, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các địa phương xử lý thật nghiêm những trường hợp xảy ra sai phạm, để tránh cho mùa lễ hội sau. Ông Vũ Xuân Thành khẳng định, Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ những thủ tục, tập tục không phù hợp ở các lễ hội. Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL): Hiện nay, Bộ vẫn đang tiếp tục điều chỉnh những lễ hội có hoạt động chưa phù hợp với đời sống văn minh. Một số lễ hội có thực hành tín ngưỡng cổ xưa nhưng không còn phù hợp với thời đại văn minh như diễn ra những hiện tượng cướp lộc, hiến sinh sẽ được điều chỉnh. Bộ đã tham mưu để các cơ quan quản lý, tranh thủ ý kiến các nhà khoa học nhằm tìm ra phương án thực hành để không làm mất đi tính truyền thống vốn được lưu truyền của cộng đồng dân cư có lễ hội nhưng vẫn đảm bảo sự văn minh, tính nhân văn.
Giới trẻ đi lễ hội đông, nhưng thiếu kiến thức nền tảng?
Một thực tế là trong số những người dân tham gia lễ hội có rất đông thanh niên - những người đang tiếp nhận tri thức mới, tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau. Họ thậm chí không chỉ là người dự hội mà còn là người trực tiếp tham gia vào lễ hội như một phần tất yếu để làm nên thành công cho lễ hội. Tuy nhiên, điều đáng buồn là rất nhiều người lại chưa hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng, tập tục hành lễ để có các hành xử đúng. Thế nên mới có chuyện, trong lễ hội Đền Sóc, đám thanh niên “sức dài vai rộng” đè nhau lao lên tranh giành quyết liệt trước kiệu rước hoa tre mà cướp lộc. Ở Hội phết Hiền Quan, hàng trăm thanh niên làng ngoài hùng hổ phá hàng rào để tranh phết với người làng Hiền Quan… Ở những lễ hội khác, người dân dự lễ (trong đó có cả người lớn tuổi lẫn người trẻ) thi nhau giắt tiền “giọt dầu” vào tay Phật, chen lấn để có thể sờ được vào chân tượng...
Cảnh thanh niên phá rào lao vào cướp phết tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) 2017. |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền, để chấn chỉnh những vấn nạn của lễ hội hiện nay, những người dự hội cần được trang bị kiến thức về lễ hội và những kỹ năng hành xử. Muốn có điều này, không thể ngày một ngày hai là làm được ngay, vì kiến thức thì cần phải được giáo dục, trang bị từ trong nhà trường.
Trong một buổi tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo đưa ra nhận định, văn hóa tâm linh ở các miền nước ta khác nhau, phần lớn những tồn tại, hạn chế để xảy ra bạo lực lễ hội lại diễn ra nhiều ở các địa phương phía Bắc. Bởi khi các lễ hội văn hóa ở nhiều địa phương được phục hồi, có những lễ hội đã bị hiểu sai dẫn đến “lệch chuẩn” so với gốc, dẫn đến hành động sai khi thực hành tín ngưỡng. Chưa kể, việc trang bị kiến thức về tín ngưỡng, lề lối ứng xử nơi công cộng, tại các lễ hội cho lớp trẻ chưa được chú trọng, dẫn đến việc nhiều thanh niên khi tham gia lễ hội hành động theo bản năng, bộc phát. TS Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, việc trang bị kiến thức về văn hóa tín ngưỡng, giáo dục quy tắc ứng xử cho lớp trẻ là rất cần thiết và cần phải đưa vào các trường học.
Hiện tượng tranh giành, ứng xử thiếu văn minh trong lễ hội vẫn tồn tại |
Theo thống kê cho thấy, cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Với số lượng lớn lễ hội diễn ra trong năm, có thể thấy nhu cầu tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là rất lớn. Sẽ rất nguy hiểm nếu như những sai phạm trong tổ chức, quản lý lễ hội không được xử lý nghiêm, và những người dự hội không được trang bịkiến thức cần thiết về văn hóa tín ngưỡng, về lề lối ứng xử văn minh.
Được biết, trong buổi tọa đàm về văn hóa ứng xử trong lễ hội diễn ra trước mùa lễ hội 2017, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề xuất Bộ VH,TT&DL việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội để làm cơ sở hướng dẫn người dân khi tham gia lễ hội. Rõ ràng, đây là việc làm cần thiết để xây dựng một môi trường lễ hội văn minh, an toàn và có hiểu biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.