Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tính đến giải pháp lâu dài

Linh Nhi| 27/02/2011 06:58

(HNM) - Hiệu ứng từ cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chủ trì triển khai đã và đang dần làm thay đổi quan niệm sính ngoại của không ít người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, làm thế nào để ngày càng có nhiều NTD chọn hàng nội thì vẫn là bài toán đặt ra đối với không chỉ các doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và những bất ổn ở nhiều khu vực đang đè nặng lên nền kinh tế.

* 90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam
(HNM) - Hiệu ứng từ cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chủ trì triển khai đã và đang dần làm thay đổi quan niệm sính ngoại của không ít người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, làm thế nào để ngày càng có nhiều NTD chọn hàng nội thì vẫn là bài toán đặt ra đối với không chỉ các doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và những bất ổn ở nhiều khu vực đang đè nặng lên nền kinh tế.

Người dân lựa chọn hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Tuấn Anh


Thay đổi thói quen của người tiêu dùng
Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vừa diễn ra, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ CVĐ thông báo, hiện nay 90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam. Ông Vũ Trọng Kim khẳng định, CVĐ là một chủ trương lớn của Bộ Chính trị, không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn trước mắt, mà còn có giá trị về lâu dài, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững. Thời gian qua, CVĐ đã được triển khai theo hướng  DN và NTD hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nhân, DN quan tâm, hướng đến lợi ích của NTD - NTD tự hào về thương hiệu Việt, ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đặng Huyền Thái:

Thời gian qua, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được TP Hà Nội triển khai một cách bài bản. Công tác tuyên truyền chính là điểm nhấn và là "chiếc cầu nối" giữa DN, hàng hóa với NTD. MTTQ TP Hà Nội chủ trì thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với việc làm cho mục đích, ý nghĩa của CVĐ "ngấm" vào tâm trí của NTD, MTTQ vận động DN đưa hàng hóa đến tay NTD với giá cả, chất lượng bảo đảm.

Theo kết quả điều tra của Ban Tuyên giáo TƯ về một năm thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", có đến 59% NTD "Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 38% "Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam"; 36% cho rằng "Trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài, nay đã dừng mua (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam". Việc này cho thấy CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vừa tạo thương hiệu, chỗ đứng cho DN Việt, vừa giúp NTD yên tâm chọn hàng nội với chất lượng bảo đảm, giá cả phải chăng. Đồng thời, đây là "cơ hội vàng" để nâng cao uy tín thương hiệu hàng hóa nội địa. Và không chỉ có vậy, Công ty cổ phần Traphaco đã sử dụng 90% dược liệu trong nước thay thế các dược liệu ngoại nhập để sản xuất Đông dược. Từ đó hạ được giá thành sản phẩm và được NTD trong nước lựa chọn.


Ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội nói, nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của CVĐ là cơ hội cho sự phát triển của DN, ngay từ khi CVĐ ra đời, Tổng Công ty đã mở rộng gần 70 trung tâm kinh doanh, siêu thị, cửa hàng và chỉ đạo 30 công ty thành viên liên tục hướng tới thị trường nội địa, đưa hơn 80 chuyến hàng hóa về các quận, huyện, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Thắng cũng cho biết, năm qua, Tổng Công ty đã tăng tỷ trọng hàng nội lên 60-80%, doanh thu từ hệ thống bán lẻ hàng nội tăng tới 50%.

Sản phẩm của Tập đoàn Dệt - May Việt Nam được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Hậu Phạm

Tạo thế đứng cho doanh nghiệp trên thị trường nội địa
Trên thực tế, thông qua CVĐ, hàng Việt bước đầu đã chiếm được ưu thế nhất định và được NTD lựa chọn, qua đó làm thay đổi nhận thức của NTD về hàng nội, thay đổi thói quen "sính ngoại" của không ít NTD. Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Bắc Son, lực lượng truyền thông đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và chuyển đổi thái độ, hành vi của NTD, giới doanh nhân và toàn xã hội trong thực hiện CVĐ. Về tổng thể kinh tế vĩ mô, hàng hóa "made in Việt Nam" đang lớn mạnh, song, để CVĐ tiếp tục phát huy hiệu quả một cách bền vững cần có sự hỗ trợ cụ thể nhiều hơn nữa đối với những DN vừa và nhỏ. Nếu chúng ta chỉ "say mê" với con số 90% hàng nội đã "có mặt" trong các siêu thị, mà không tính tới giải pháp lâu dài như nâng cao chất lượng hàng hóa, cân đối giá cả và có những chiến lược kinh doanh lành mạnh, thì một thời gian sau, DN nhỏ ở cơ sở của Việt Nam có khi phải đóng cửa vì NTD không thể ủng hộ mãi những sản phẩn kém chất lượng được, khi đó hạ tầng của nền kinh tế cũng như các địa phương sẽ gặp khó khăn.

Sau một năm triển khai có thể thấy CVĐ không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có giá trị tổng hợp về kinh tế - chính trị - xã hội - nhân văn và tạo nên quyền bình đẳng trong tiêu dùng. NTD mong muốn trong tương lai sẽ được mua sản phẩm nội có chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu cũng như hàng hóa nhập khẩu. Để đạt mục tiêu đó, nhiều nhà quản lý và DN kiến nghị Nhà nước có chính sách thuế hợp lý, hạn chế những mặt hàng nhập từ nước ngoài tràn lan... để tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng nội trên "sân nhà".

Dùng hàng Việt Nam là khuyến khích thúc đẩy sản xuất phát triển tạo tiềm lực mới cho đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh CVĐ từ cả hai phía NTD và DN còn góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tính đến giải pháp lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.