Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tích hợp các chính sách và hướng đến nghèo đa chiều

Minh Bắc| 02/04/2014 12:06

(HNMO) - Với những đô thị lớn như Hà Nội, giảm nghèo không chỉ quan tâm tới nghèo về tài sản, thu nhập mà còn phải quan tâm đến cả nghèo đa chiều. Tình trạng vừa chồng chéo lại vừa thiếu chính sách về nghèo đa chiều đang làm việc giảm nghèo kém hiệu quả...

Tạo điều kiện cho nông dân phát triển chăn nuôi là một trong những hình thức giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Minh Bắc)




Hiện Hà Nội có trên 45.700 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,6%. Trong đó trên 90% số hộ nghèo sống ở khu vực nông thôn và chỉ có gần 9% số hộ nghèo sống ở khu vực thành thị. Còn với cả nước, năm 1993, tỷ lệ nghèo là 58% đã giảm xuống còn 14,2% trong năm 2010. Tổ chức Liên hiệp quốc đã đánh giá cao thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Để đạt những kết quả đó, Chính phủ đã ban hành, thực thi rất nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực đáng kể cho giảm nghèo.

Tính đến tháng 3/2014, tổng số văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo hiện đang có hiệu lực là 183 (chỉ tính các văn bản Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch và Thông tư của các bộ, ngành). Bên cạnh đó, số văn bản liên quan gián tiếp đến giảm nghèo hiện đang có hiệu lực là 292 (là những văn bản không nêu mục tiêu giảm nghèo, không hỗ trợ riêng cho người nghèo/khó khăn hoặc địa bàn nghèo/khó khăn, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với giảm nghèo). Nói chung, với số chính sách lớn như vậy đã bao phủ đủ đối tượng mà các Nghị quyết, Pháp lệnh đề cập. Tuy nhiên, nó cũng gây ra sự chồng chéo về chính sách và tản mạn về đối tượng thụ hưởng; khó tập trung được nguồn lực để giải quyết vấn đề thật hiệu quả, thậm chí có chính sách không đủ nguồn lực thực hiện... Ngoài ra, nó còn gây khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả tác động riêng của từng chính sách, chương trình đến từng đối tượng cần giảm nghèo. Ví dụ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 80 phải cần tới 6 nhóm chính sách như: hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng, hỗ trợ về nhà ở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ văn hóa thông tin được ban hành.

Ngoài những chính sách hỗ trợ giảm nghèo áp dụng chung cho tất cả các hộ nghèo trên cả nước còn có những chính sách hỗ trợ dành riêng cho một số nhóm đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, 62 huyện nghèo nhất nước... Rõ ràng giữa các chính sách này đã có sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ và thời gian hỗ trợ… Ngay cùng chỉ một nội dung hỗ trợ thôi nhưng lại có nhiều chính sách, chương trình, dự án cùng hướng tới... Chẳng hạn, đã có tới 6 chính sách hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn, 5 chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nhà văn hóa thông tin, 4 chính sách và hỗ trợ xây dựng trạm y tế…

Riêng đối với Hà Nội, từ tháng 9/2008, khi hợp nhất địa giới hành chính thì chuẩn nghèo và nhiều chính sách xã hội của Hà Nội và các đơn vị hợp nhất không đồng bộ. Các đơn vị mới hợp nhất có tỷ lệ hộ nghèo cao, đối tượng diện bảo trợ xã hội lớn, các chính sách đều thực hiện theo quy định của Trung ương. Trong khi đó, Hà Nội lại áp dụng chuẩn nghèo riêng và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đặc thù.

Tuy nhiều chính sách giảm nghèo nhưng thực tế xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam lại cho thấy đang có sự khác nhau về cái nghèo, chuẩn nghèo so với thế giới. Đối với vùng đô thị như Hà Nội, thì nguyên nhân gây đói nghèo lại khác với các vùng miền cả nước. Bởi nguyên nhân gây nghèo khác nhau. Nghèo ở Hà Nội chủ yếu do hộ gia đình có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc các diện: Người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi... (trên 27%); người già yếu ốm đau thường xuyên, lao động chính mắc bệnh hiểm nghèo, mắc tệ nạn xã hội... (trên 20%). Đối với các hộ này, khó áp dụng các giải pháp hỗ trợ thông thường như cho vay vốn, dạy nghề tạo việc làm... Thêm vào đó, tốc độ đô thị hoá nhanh dẫn đến nhiều người dân không có đất sản xuất, phải chuyển đổi nghề với nguồn sống chính là kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, làm thuê tại địa phương hoặc đến địa phương khác để tìm việc; Giá cả sinh hoạt luôn biến động ảnh hưởng đến đời sống hộ nghèo đô thị...

Hà Nội không chỉ cần quan tâm, giải quyết vấn đề nghèo về tài sản, thu nhập mà còn phải quan tâm đến vấn đề nghèo đa chiều. Đây là những nhóm người nghèo do bị thiếu hụt hoặc không được tiếp cận đầy đủ đến các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở... Việt Nam đang thiếu những chính sách về cách tiếp cận nghèo đa chiều này. Từ cuối năm 2013, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TBXH xây dựng đề án đo lường nghèo đa chiều để xây dựng những chính sách phù hợp cho vấn đề nghèo đa chiều...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho rằng “Xóa đói giảm nghèo là một công việc phức tạp, khó khăn và lâu dài, các chính sách về giảm nghèo về cơ bản đã đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội”. Nhưng để giảm nghèo một cách bền vững, ngoài việc nghiên cứu ban hành chính sách mới theo hướng nghèo đa chiều, thì chúng ta cũng cần rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách giảm nghèo hiện có, cần thiết tích hợp và lồng ghép các chính sách giảm nghèo tại Trung ương, phân cấp trao quyền cho địa phương và nâng cao vai trò tham mưu của cơ quan giảm nghèo để giải quyết thách thức về chồng chéo chính sách; Tiếp cận của các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới cũng cần thay đổi theo hướng linh hoạt và phù hợp hơn với khác biệt về bản chất nghèo của các vùng, miền, các nhóm dân cư khác nhau.

Hà Nội đang gặp một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện chính sách như việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đó là nhiều hộ đất ở không hợp lệ hoặc ở nhà tập thể không được phép xây dựng, sửa chữa. Một số hộ có diện tích nhà ở chật chội hoặc không có nhà; Một bộ phận hộ nghèo thiếu lao động, lười lao động, mắc nghiện hút... cần có các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo phù hợp; Số người di dân tự do đến các thành phố lớn gây áp lực cho các khu đô thị; gây quá tải tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công cộng (bệnh viện, trường học...). Vì vậy, Hà Nội đang rất cần những chính sách cụ thể về cho thuê nhà ở đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ nghèo theo nguyên nhân, chính sách hỗ trợ nên mang tính khuyến khích, tạo động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần tích hợp các chính sách và hướng đến nghèo đa chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.