(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Mặc dù, Việt Nam đã sớm đề ra Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (năm 2014) với những mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đối với công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay, kết quả chưa được như kỳ vọng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30-40% vào năm 2020, 40-45% vào năm 2025 và 50-55% vào năm 2030, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova (thông tin từ doanh nghiệp). Kết quả trên cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống chính sách, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán. Cụ thể như chính sách hạn chế tiêu dùng ô tô cá nhân mâu thuẫn với quan điểm và định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô và điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thực tế từ nhiều quốc gia thành công trong phát triển ngành công nghiệp ô tô như: Thái Lan, Malaysia… đã cho thấy mối liên hệ rất chặt chẽ giữa ngành sản xuất ô tô với nhu cầu mua sắm của các gia đình. Hạn chế tiêu dùng ô tô dẫn đến nhu cầu linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô sẽ ít đi hoặc có tăng nhưng mức tăng không đáng kể. Do đó, để ngành công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển, cùng với nỗ lực từ chính các doanh nghiệp cũng cần có sự thống nhất trong chính sách, định hướng phát triển của cơ quan quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.