(HNM) - Cách đây gần 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Thực hiện đề án, ngày 30-1-2019, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng...
Nhìn vào những con số trên với người ngoài cuộc có thể xem đây là mục tiêu dễ thực hiện. Tuy nhiên, với người am hiểu lĩnh vực kinh tế tập thể trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đây là điều không dễ nếu không có quyết tâm và “đường đi, nước bước” phù hợp. Bởi, theo phản ánh từ các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thì phía trước vẫn còn nhiều trở ngại. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là thiếu vốn sản xuất khi các hợp tác xã nông nghiệp hầu như không tiếp cận được chính sách vay vốn do không có tài sản thế chấp theo yêu cầu của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, công nghệ, tích tụ ruộng đất… đang là những rào cản. Đó còn là việc nhân lực điều hành cho các hợp tác xã cũng rất hạn chế về kỹ năng kế toán, lập dự án, phát triển thị trường...
Để tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trên, điều đầu tiên cần làm là các địa phương phải rà soát tình hình hoạt động, nắm rõ những khó khăn, từ đó có biện pháp cụ thể giúp các hợp tác xã trung bình, yếu kém nâng cao chất lượng hoạt động. Với việc thành lập mới hợp tác xã, hoặc chuyển đổi mô hình phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lựa chọn sản phẩm theo định hướng phát triển của các địa phương, không chạy theo thành tích. Ngoài ra, cần gắn việc phát triển các hợp tác xã với việc triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.
Mặt khác, bản thân các hợp tác xã cần phải tự đổi mới, trong đó quan trọng nhất là định hình được chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu, “tiếng gọi” của thị trường. Đó là việc có sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất khép kín từ đồng ruộng đến bếp ăn của mỗi gia đình. Trong khi đó, với vai trò “bà đỡ”, ngoài tạo điều kiện hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, tiếp thị, các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố (Liên minh hợp tác xã, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Công Thương…) cần sớm tổng kết các mô hình hợp tác xã phát triển thành công nhằm nhân rộng ra địa bàn.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần sớm đề xuất để hoàn thiện chính sách pháp luật đối với hợp tác xã, theo hướng tập trung vào việc phát triển gắn với các chuỗi giá trị, cũng như liên kết hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp. Đặc biệt, các chính sách mới sẽ hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp chứ không hỗ trợ đầu vào như hiện nay. Với các xã viên hợp tác xã cũng cần hiểu rằng, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì song hành với đó là cơ hội đi kèm thách thức khi phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại. Do đó, mỗi xã viên, mỗi hợp tác xã phải không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận tri thức mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một thực tế hiển nhiên là các hợp tác xã phát triển sẽ trở thành hạt nhân để liên kết với doanh nghiệp, từ đó đời sống xã viên được nâng lên, diện mạo nông thôn sẽ thay đổi tích cực. Nếu hợp tác xã làm đúng nghĩa, tự nguyện, theo hướng thị trường, chắc chắn mô hình này sẽ trở thành thành tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Thủ đô cũng như cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.