Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn thận khi bắt... ốc

THUHANG| 29/04/2005 12:05

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, ở vùng biển Việt Nam hiện có 2 loài ốc rất độc là Ốc cối Địa lý (OCDL) và Ốc cối Hoa Lưới (OCHL).

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, ở vùng biển Việt Nam hiện có 2 loài ốc rất độc là Ốc cối Địa lý (OCDL) và Ốc cối Hoa Lưới (OCHL).

Ốc cối Địa lý (OCĐL) có kích thước tương đối lớn so với các loài khác cùng họ, nhưng vỏ mỏng, nhẹ và dễ vỡ. Vỏ ốc màu trắng hơi xanh, có khi hơi tím, bên ngoài có hoa văn hình mạng lưới mịn màu nâu, hai hàng vệt lớn ngang vỏ cũng màu nâu. Vỏ ốc có dạng hình trứng kéo dài với hai đầu tày, tháp vỏ thấp, có nhấn và viền ngoài tạo thành gờ. Vòng xoắn nơi vành vai của vỏ rộng, có cạnh và nổi nhiều cục u nhỏ. Miệng ốc trơn láng, rộng, có màu trắng hơi xanh. Chiều dài của ốc trung bình 110mm, đường kính ngang (chỗ phình to) khoảng 55mm. Con lớn nhất có thể dài tới 160mm với đường kính ngang 75mm.

OCĐL sống trong nước, hô hấp bằng mang. Chúng thường sống trong các rạn san hô, ẩn mình trong các kẽ đá, dưới cát hay san hô vụn ở vùng nước nông. Chúng thường vùi mình suốt ngày và chỉ chui ra kiếm ăn vào ban đêm. Thức ăn của OCĐL là cá đáy nhỏ. Khi tấn công mồi, chúng tiến dần đến con mồi một cách chậm chạp rồi bất thình lình thò vòi ra (từ phía đầu ngoài cùng của vỏ) và phóng lưỡi sừng trên đó có răng sừng nhọn như mũi tên nhỏ cùng với chất độc vào con mồi. Do cấu tạo, các loài ốc cối có kẽ hở rộng, nên chúng có thể thò lưỡi sừng tiếp xúc với con mồi ở phạm vi khá rộng, vì thế dễ gây nguy hiểm cho con mồi.

OCĐL phân bố nhiều ở ven biển phía Nam Việt Nam từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các hải đảo (Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo…). Tính chất độc của ốc cối được tạo ra từ cơ quan miệng có răng sừng dạng kim và một ống xoắn gắn với một túi chứa dạng bầu có thể co bóp. Khi con vật tiếp cận con mồi, vòi thò ra và một bộ phận hình mũi tên (hoặc răng) đâm con mồi rồi phóng chất độc vào. Chất độc của các loài ốc cối nói chung thuộc dạng Conotoxins. Đây là một hợp chất có hoạt tính sinh học cao. Hoạt tính này ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ con người. Nhiều thí nghiệm cho thấy Conotoxins có tác dụng làm tê liệt cơ thể, ức chế hô hấp dẫn đến tử vong.

Thông thường các loài ốc cối chỉ gây tai nạn cho người bắt nó. Đa số vết cắn nhằm vào ngón tay và bàn tay, gây thủng sâu. Ở thể nhẹ có thể giống như vết chích của ong hay côn trùng. Triệu chứng lâm sàng khi bị OCĐL cắn bao gồm: ngứa, khó nuốt, thở yếu ớt, mất tiếng, mất phản xạ, nhìn nhòe một hóa hai, hôn mê, liệt các cơ, trụy hô hấp, trụy tim và chết. Vết cắn cũng có khả năng ác tính, phát triển nhanh gây phù não và hôn mê, ngừng hô hấp, lan tỏa sự đông máu trong mạch và trụy tim. Nếu ngộ độc nhẹ thì có triệu chứng buồn nôn, nhìn nhòe, khó chịu và suy yếu trong vài giờ. Sau 2 - 3 tuần mới thực hiện được sự tiêu độc toàn bộ và cơ thể mới phục hồi.

Vì OCĐL thường tấn công người bắt nó, nên khi bắt ốc cần mang găng tay dày và chỉ cầm nơi chóp và lưng vỏ, tránh tiếp xúc với phần khe hở của miệng vỏ. Túi đựng ốc không đeo sát vào người, tránh để ốc tiếp xúc với cơ thể người. Nếu không may bị ốc cắn, trước tiên phải garo vết thương và giữ cố định vùng bị chích, sau đó nhanh chóng đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Quá trình vận chuyển phải để nạn nhân nằm im, thường xuyên theo dõi và làm hô hấp nhân tạo.

Ốc cối Hoa Lưới (OCHL) có vỏ dạng hình trứng thuôn dài, dày, chắc và nặng. Chóp xoắn có dạng hình nón, vòng xoắn đều và láng. Gờ vai của vỏ với cạnh trơn láng. Miệng vỏ dài và rộng, có màu trắng, chỗ rộng nhất nằm ở chóp đầu. Màu sắc vỏ ốc thay đổi nhiều, thường là trắng hơi xanh. Đặc biệt có hoa văn màu nâu hơi vàng hình mạng lưới không đều trang trí khắp mặt ngoài của vỏ kể cả chóp xoắn, tạo cho phần nền của vỏ thành những vảy màu trắng xếp không đều. Trên nền của hoa lưới còn điểm những vệt lớn cũng màu nâu không đều.

OCHL có chiều dài trung bình 70mm, đường kính ngang khoảng 30mm, con lớn nhất có chiều dài 130mm với đường kính ngang khoảng 55mm. Thức ăn của OCHL là các loài động vật thân mềm. Loài ốc này phân bố rất rộng, từ vùng dưới triều đến độ sâu khá lớn, nhưng thường gặp chúng sống chui trong các rạn san hô ở độ sâu từ 10 - 30m, đôi khi chúng vùi trong cát ở vùng mặt bằng rạn. Người ta thường gặp OCHL ở vùng nước nông trong các rạn san hô ven biển ở phía Nam Việt Nam từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các hải đảo ngoài khơi xa…

Đã có ít nhất hai trường hợp tử vong do bị OCHL cắn được ghi nhận. Tính độc, biểu hiện lâm sàng, cách phòng ngừa OCHL tương tự OCĐL.

Theo báo Khánh Hòa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận khi bắt... ốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.