Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tập trung hơn nữa trong phòng, chống “tham nhũng vặt”

Đình Hiệp| 08/11/2022 17:32

(HNMO) - Chiều 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận chiều 8-11.

Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm

Nhất trí với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, công tác này vẫn còn hạn chế. Có một số loại tội phạm tiếp tục gia tăng, như tội phạm về vi phạm trật tự xã hội liên quan đến suy đồi đạo đức, văn hóa và tội phạm hủy hoại rừng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, công tác phòng ngừa muốn đạt hiệu quả cao thì không thể tách rời việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu; cần có biện pháp mạnh hơn nữa đi đôi với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh chống tội phạm. Đây không chỉ là việc của ngành Công an, mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.

Thời gian qua, có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tội, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền...

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.

 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tăng cường quản lý, kiểm soát bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc, hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em. Đồng thời, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) đánh giá, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân.

Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

“Tham nhũng vặt” diễn ra ngày càng tinh vi

Cơ bản tán thành với các báo cáo của các cơ quan đã trình bày, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) tập trung phân tích hiện tượng “tham nhũng vặt”. Theo đại biểu, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt.

“Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Trước thực trạng trên, đại biểu chia sẻ mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường chiều 8-11.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của nhân dân. Do đo, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho biết, thời gian qua, người dân phấn khởi về kết quả của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ án lớn đã được kịp thời xét xử. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị các cơ quan tư pháp cần chú trọng công tác phòng ngừa để xác định tinh thần là không thể và không dám, không muốn tham nhũng.

 Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn Ninh Thuận) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, tình hình phạm tội về quản lý kinh tế và phạm tội về tham nhũng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, cần làm rõ, phân tích thêm về sự gia tăng và giảm thiểu của hai loại tội phạm này trong báo cáo.

“Tới đây, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động phân tích tình hình từ sớm, từ xa; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận tố giác về tội phạm; chủ động tranh thủ các nguồn lực để thực hiện tốt phòng, chống tội phạm”, đại biểu kiến nghị.

Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cần học tập kinh nghiệm của các nước phát triển. Cụ thể, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo quy chuẩn liêm chính mà cả cơ quan công quyền cũng như khối doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác đều đồng thuận để bảo vệ cán bộ thanh tra trong thực thi công vụ.

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 8-11.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, đã có 33 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để xây dựng nghị quyết và hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tập trung hơn nữa trong phòng, chống “tham nhũng vặt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.