Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương

Thanh Hải - Ảnh: Huy Hùng| 18/07/2022 10:14

(HNMO) - Dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Quang do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc được giao nhiệm vụ thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án, là công trình trọng điểm, theo kế hoạch phải hoàn thành đóng điện trước ngày 30-6-2022. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù đã quá hơn nửa tháng so với kế hoạch, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vướng mắc chính vẫn ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn 2 huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) và Bắc Quang (tỉnh Hà Giang).

Tuyến đường dây Dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Quang.

Dự án bảo đảm điện quan trọng cho miền Bắc

Ông Phùng Bảo Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết, đây là công trình trọng điểm có quy mô 2 mạch, dài hơn 43km, gồm 117 vị trí cột, đi qua địa bàn huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) và huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Công trình được đầu tư xây dựng nhằm mục đích truyền tải hết công suất từ các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang lên hệ thống điện quốc gia, qua đó nâng cao độ ổn định, tin cậy, cung cấp điện cho khu vực Tây Bắc, gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung.

Theo kế hoạch, dự án cần phải đóng điện trước ngày 30-6-2022, tuy nhiên, do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm nên dự án chưa thể hoàn thành. Ông Phùng Bảo Anh nói: “Hiện toàn tuyến đường dây còn 1 vị trí cột và 10 khoảng néo trên địa bàn huyện Bắc Quang và 1 vị trí cột và 14 khoảng néo trên địa bàn huyện Lục Yên đang bị nghẽn”.

Việc chậm tiến độ dự án ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm cung ứng điện cho các tỉnh vùng núi Tây Bắc. Trong khi lưới điện đang ngày một quá tải do nhu cầu sử dụng tăng cao thì sự chậm trễ này khiến cho các dự án thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa thể giải tỏa công suất, còn các đơn vị trực tiếp thi công “khóc dở, mếu dở”.

Thông tin thêm về điều này, ông Lưu Ánh Minh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11, đại diện nhà thầu thi công, cho biết: “Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến chi phí sản xuất tăng lên khi mà đội ngũ nhân lực gần 40 người cùng phương tiện máy móc, thiết bị cũng phải nằm chờ”. Theo ông Minh, mọi công việc từ vật tư, thiết bị và nhân lực đều đã sẵn sàng, nếu có mặt bằng là nhà thầu sẽ dốc toàn lực để dự án hoàn thành một cách nhanh nhất.

Còn ông Đồng Xuân Sang, Chỉ huy trưởng toàn tuyến đường dây 220kV Bắc Quang cho biết, gói thầu này do Công ty cổ phần Sông Đà 11 phụ trách thi công 117 vị trí, đơn vị đã hoàn thành trên 80% khối lượng. 

“Dự án khởi công từ tháng 10-2020, đến nay, phần việc của chúng tôi đã chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra là hơn 3 tháng. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đơn vị hoàn thành nốt phần việc của dự án. Chúng tôi cam kết, nếu trong tháng 7-2022 có đủ mặt bằng thì kết thúc tháng 8-2022, đơn vị sẽ hoàn thành phần việc của mình”, ông Sang nhấn mạnh.

 Thi công tại vị trí cột 25 (xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái).

Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) Đặng Minh Hiệp cho biết, đối với Dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Quang, được giao thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng từ cuối năm 2019, huyện Lục Yên đã xác định đây là công trình quan trọng. Với vai trò tham mưu, trung tâm đã chỉ đạo cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng diện tích để làm chân cột trước. Sau khi cơ bản hoàn thành thì tiến hành kiểm kê phần cây trồng trong hành lang.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một hộ dân chưa nhận đền bù tại vị trí cột 20, trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã mời gia đình lên làm việc nhiều lần...

Trong khi đó, tại huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang được thực hiện quyết liệt. Thông tin về điều này, ông Nguyễn Đàm Thuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cam kết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất theo quy định. Trước mắt, Tổ tuyên truyền giám sát do Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị thành viên sẽ nâng cao công tác tuyên truyền, vận động bám sát vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh giám sát trong quá trình thực hiện.

Ông Thuyên nói: “Trên địa bàn huyện còn vướng ở vị trí cột 94, chính quyền địa phương sẽ vận dụng theo quy định pháp luật để bảo đảm hiệu quả cao nhất...”.

Cũng theo ông Thuyên, đối với các vị trí hành lang, với các trường hợp cố tính không bàn giao mặt bằng, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã vận động, tuyên truyền. Huyện tổ chức đối thoại, đồng thời UBND các xã tiến hành hoàn thiện hồ sơ để thực hiện biện pháp bảo vệ thi công theo quy định.

Rõ ràng, sự quyết liệt của chính quyền địa phương đối với Dự án đường dây 220kV mạch kép đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Quang là hết sức cần thiết. Bởi kinh tế các địa phương ở khu vực Tây Bắc có phát triển nhanh, bền vững hay không thì yếu tố ổn định của điện lưới hết sức quan trọng. Vì vậy, cần sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên. Có như vậy, dự án mới đáp ứng được yêu cầu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.