(HNM) - Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra ngày 14-9, tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A tại một số địa phương còn chậm, hiệu quả thấp. Thực trạng này là gánh nặng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ một địa phương mà còn của cả khu vực và cả nước.
Tại Hà Nội, Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá… cũng ở tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, lùi thời hạn hoàn thành.
Tại cuộc làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ, tốc độ giải ngân thấp là điều thực sự lo lắng. Thành phố đã thành lập 6 đoàn công tác, do các Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn để kiểm tra, tháo gỡ, đôn đốc các dự án. Thành phố tiếp tục nhận diện, phân loại dự án, để xử lý, giải quyết khó khăn.
Cũng nhờ những giải pháp tiếp cận này, tiến độ một số dự án được cải thiện, tỷ lệ giải ngân đã tăng lên gấp 2,57 lần so với 4 tháng đầu năm 2022.
Rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư công và sự chậm trễ của nhiều dự án lớn là điều đáng lo. Phân loại, xác định rõ các điểm nghẽn để tập trung những giải pháp trọng tâm, trọng điểm xử lý là cách làm hiệu quả để khắc phục thực trạng trên. Những thông điệp nhất quán đã được đưa ra, giờ cần sự vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.