(HNNN) - Tại Hà Nội, 20 năm qua chỉ khoảng 1% trong tổng số hơn 1.500 chung cư, tập thể cũ được cải tạo. Con số trên cho thấy việc cải tạo chung cư cũ suốt 2 thập niên vừa qua diễn ra rất chậm, chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Việc cải tạo chung cư cũ đang gặp phải những vướng mắc gì và cần phải làm gì để tháo gỡ? Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Vũ Hoài Đức (khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) xoay quanh vấn đề này.
- Thưa KTS Vũ Hoài Đức, Thành phố Hà Nội đã lập danh sách các tòa chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp nghiêm trọng từ rất lâu nhưng đến nay việc cải tạo chung cư thiếu an toàn vẫn chưa thể hoàn thành. Theo ông, nguyên nhân là gì?
- Theo kết quả rà soát, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2ha) và 306 chung cư độc lập. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu, đến nay mới chỉ có 18 dự án chung cư cũ đã hoàn thành việc xây dựng lại và đưa vào sử dụng, 14 dự án chung cư cũ đang triển khai thực hiện.
Nguyên nhân đầu tiên, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô xác định khu vực 4 quận nội đô là khu vực hạn chế phát triển, phải tiến hành từng bước giãn, giảm dân số từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu dân, khi cải tạo phải đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhưng không được tăng quy mô dân số... và điều đó đã tạo ra khó khăn nhất định. Với các quy định về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, chiều cao công trình trong khu vực cải tạo nhà chung cư bị khống chế trong khi các chủ sở hữu nhà chung cư thường yêu cầu hệ số (K) đền bù cao, do vậy rất khó để các nhà đầu tư cân đối phương án tài chính do vừa phải bố trí nhà tái định cư tại chỗ vừa phải đảm bảo lợi ích, hiệu quả đầu tư.
Tiếp đó, về công tác kiểm định chất lượng, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, do số lượng nhà chung cư trên địa bàn thành phố rất lớn (1.579 nhà), việc bố trí vốn ngân sách để tổ chức kiểm định gặp khó khăn; nhiều nhà chung cư cũ xây dựng đã lâu, không còn hồ sơ tài liệu liên quan đến thời gian xây dựng công trình... và do vậy, rất khó thực hiện đánh giá niên hạn sử dụng, kiểm định chất lượng các nhà chung cư, nhất là các khu chung cư chưa bàn giao cho nhà nước quản lý. Trong khi đó, theo quy định, kết quả kiểm định là căn cứ để lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khó khăn xuất hiện do nhà đầu tư và các chủ sở hữu khó thỏa thuận thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khó khăn còn là do các tổ chức, cá nhân, các hộ dân (nhất là các hộ dân tại tầng 1, các hộ dân tại nhà ở liền kề xen cài trong khu chung cư cũ) thường yêu cầu hệ số (K) đền bù cao trong khi quy mô công trình sau cải tạo xây mới bị hạn chế. Về việc di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, mặc dù UBND thành phố đã kịp thời ban hành quyết định di dời các hộ dân ngay sau khi có kết quả kiểm định nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư phục vụ công tác di dời nhưng theo báo cáo của UBND các quận có nhà chung cư nguy hiểm cấp D, việc di dời các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn do nhiều người không muốn tạm cư ở nơi có thể làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ...
- Theo ông, việc kéo dài tiến độ cải tạo chung cư cũ sẽ dẫn đến hệ quả gì?
- Vừa qua, Sở Xây dựng đã chủ trì cùng Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội và đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát sơ bộ các chung cư và khu tập thể cũ nhằm phân loại tình trạng kỹ thuật theo các mức 1, 2, 3, tạo cơ sở để tổ chức kiểm định chi tiết xác định các cấp độ nguy hiểm A, B, C, D. Theo kết quả kiểm định chi tiết các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, tổng cộng có 15 nhà nguy hiểm cấp D, trong đó có 9 nhà đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng; có 6 nhà đang được tổ chức di dời, tức chưa tiến hành cải tạo, xây dựng lại, gồm 5 nhà trên địa bàn quận Ba Đình (nhà C8 Giảng Võ; G6A Thành Công; nhà A Ngọc Khánh; nhà 148 - 150 Sơn Tây; tập thể Bộ Tư pháp) và 1 nhà trên địa bàn quận Đống Đa (nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng). Nếu kéo dài tiến độ cải tạo chung cư cũ, đời sống của người dân, đặc biệt là người dân đang sinh sống ở những khu vực được đánh giá mức D về cấp độ nguy hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Theo ông, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp gì để khắc phục những tồn tại nói trên?
- Thành phố Hà Nội cần tạo lập quỹ nhà tạm cư tại khu vực 4 quận nội đô để tạo sự đồng thuận của các hộ dân, đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm. Theo đó, thành phố cần xem xét, lựa chọn từ 2 - 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trong khu vực 4 quận nội đô để thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, qua đó tạo lập quỹ nhà tạm cư nêu trên.
Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong các chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, UBND các quận, huyện, thị xã nơi có nhà chung cư cũ cần khẩn trương rà soát, xác lập vị trí ranh giới các khu chung cư cũ và tổ chức lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đồng thời làm cơ sở để hộ dân cùng các sở, ngành tham gia, giám sát, thẩm tra hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư trước khi tham mưu, báo cáo UBND Thành phố. Tiếp đó, cần đẩy nhanh công tác rà soát, kiểm định, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tập trung lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách thành phố hoặc ứng vốn qua quỹ đầu tư phát triển để thực hiện đồng bộ trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 461/TB-VP ngày 6-10-2020.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cấp huyện cần chủ động tham gia tích cực vào công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn do mình quản lý, giúp thành phố đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Cụ thể, chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong việc di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm cấp D; kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục các chung cư cũ trên địa bàn; xây dựng kế hoạch bảo trì, sửa chữa cục bộ các cấu kiện, công trình nguy hiểm, xuống cấp; tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư và chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ...; chủ trì thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thêm vào đó, chúng ta cần cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ kết hợp tái thiết các khu vực lõi trong đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tại khu vực đô thị cũ, đảm bảo phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.