(HNM) - Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Với kết quả bước đầu đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu “nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính”, tập trung thực hiện theo hướng liên thông, đồng bộ...
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành trình bày tại hội nghị cho biết, trong những năm qua, cùng với sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chia sẻ về kết quả, kinh nghiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, các cơ quan, đơn vị của thành phố tiếp nhận khoảng 14 triệu hồ sơ thủ tục hành chính/năm. Nhờ cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ, thành phố đã giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn xuống còn dưới 2% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận (bình quân tỷ lệ đúng hạn từ 98% đến 99%).
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Hành chính công của tỉnh đã tiếp nhận 132.947 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính thường xuyên đạt trên 99%...
Tham luận về “Giải pháp, kinh nghiệm đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính tại TP Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017, TP Hà Nội xếp thứ 2 toàn quốc. Để có được kết quả này, thành phố xác định cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, hành động và phục vụ nhân dân. Thành phố luôn quan tâm, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tính đến ngày 7-9-2018, thành phố có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.
Tương tự, công việc này cũng được thực hiện tích cực ở các bộ, ngành. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: “Bộ Tài chính đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp nhờ triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế. Đến nay đã có 99,96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước sử dụng kê khai thuế qua mạng…”.
Tiến tới thực hiện “4 tại chỗ”
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực. Ảnh: Bá Hoạt |
Bên cạnh các kết quả đạt được, các bộ, ngành, địa phương cũng nêu những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thời gian tới. Tiêu biểu như các đề xuất: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; thống nhất xây dựng các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương với các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính do các địa phương xây dựng để dễ kiểm soát, chia sẻ dữ liệu; sớm triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia… Theo đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, với nhu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới, nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay chưa đáp ứng được. Trung bình mới đạt 2,1 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trên một quận, huyện. Bên cạnh đó, nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin giữa các địa phương còn có sự chênh lệch.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, các đánh giá và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương rất xác đáng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ban hành với nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” thể hiện sự đổi mới về chất trong quan điểm quản lý nhà nước. Để đưa những quy định này vào cuộc sống, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, hiện thực hóa quan điểm Chính phủ phục vụ, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP theo các nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, cán bộ, công chức bộ phận một cửa phải bảo đảm trình độ chuyên môn, tiến tới thực hiện “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả). Các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh những tồn tại của bộ, ngành, địa phương mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần… Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thuận tiện và dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi có nhiều nhân lực giỏi nên cần huy động đội ngũ này tham gia quá trình xây dựng các giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo ra sự liên thông, đồng bộ trong hệ thống và làm tốt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.