(HNM) - Trường Tiểu học Phương Liên, thuộc địa bàn phường Phương Liên, quận Đống Đa có 3 mặt bị
Đây cũng là ngôi trường duy nhất của quận Đống Đa mà học sinh phải học trong những căn nhà cấp 4 ẩm thấp, môi trường ô nhiễm nặng nề. Việc thực hiện dự án xây dựng trường là rất cấp thiết và đang được triển khai theo trình tự thủ tục hiện hành nhưng lại chưa nhận được sự đồng thuận của một số người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng...
Ba mặt Trường Tiểu học Phương Liên là đường giao thông đông đúc. |
Theo văn bản số 1312/QHKT-P1 ngày 31- 8- 2007 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nếu vẫn tọa lạc tại vị trí hiện nay là số 1 phố Phạm Ngọc Thạch thì Trường Tiểu học Phương Liên không đủ điều kiện pháp lý để mở rộng, xây mới vì không phù hợp quy hoạch đã được thành phố phê duyệt. Trong quy hoạch được duyệt, diện tích đất khoảng 2.600m2 trường đang sử dụng được xác định chức năng là công trình công cộng, chỉ có thể xây dựng nhà cao 6-9 tầng làm trụ sở hoạt động của chính quyền và các đoàn thể phường Phương Liên, không bố trí nhà ở. Vì vậy trong văn bản báo cáo UBND thành phố, Sở QH - KT cho rằng, Trường Tiểu học Phương Liên ở vị trí hiện nay không bảo đảm yêu cầu theo quy định tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia hiện hành và quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Việc di chuyển trường sang vị trí mới để đáp ứng môi trường sư phạm và bảo đảm an toàn cho học sinh là cần thiết. Căn cứ quy hoạch được duyệt, đề nghị của chính quyền địa phương và các đoàn thể; việc đề xuất xây mới Trường Tiểu học Phương Liên tại ô đất có ký hiệu XM4 là phù hợp. Ô đất này diện tích khoảng 4.425m2, hiện đang có một số nhà từ 1- 3 tầng của người dân sinh sống. Ngày 25-9-2007, UBND thành phố đã có Văn bản số 5218/UBND-XDCB chấp thuận ý kiến đề xuất của Sở QH - KT. Sau đó UBND quận Đống Đa, phường Phương Liên đã tiến hành hoàn thiện thủ tục cần thiết để triển khai dự án. Ngày 17-8-2011, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có biên bản bàn giao mốc giới ranh giới khu đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng Trường Tiểu học Phương Liên.
Ngày 7-12-2011, khi UBND quận Đống Đa, phường Phương Liên tổ chức họp báo cáo kế hoạch thực hiện dự án và tiếp thu ý kiến của các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng, một số người dân đã bày tỏ ý kiến chưa đồng thuận. Ông Mai Thế Truyền, người dân tổ 29 cho biết, địa điểm dự kiến xây mới Trường Tiểu học Phương Liên nằm ở mặt phố Xã Đàn, lưu lượng giao thông lớn, phần lớn học sinh ở làng Kim Liên, phải đi ngang qua phố Xã Đàn mới đến trường được, như vậy trường mới cũng sẽ vẫn không bảo đảm an toàn giao thông. Nên xây trường tại vị trí cũ, mở rộng thêm phần đất của Công ty Việt Thái đang để hoang liền kề, tổng diện tích khoảng 4.700m2. Một số người dân khác bày tỏ nhu cầu bức thiết phải có trường học theo đúng chuẩn quốc gia để con em họ đỡ thiệt thòi khi phải mất công, mất của "chạy suất" học trái tuyến song lại đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi hơn 4.000m2 đất ở khu vực hồ Ba Mẫu hiện đang bị sử dụng chưa đúng mục đích…
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phương Liên ghi nhận ý kiến của người dân, báo cáo cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng cho biết thêm, trong giai đoạn 1 của dự án xây dựng Trường Tiểu học Phương Liên tại địa điểm ô đất XM4, dự kiến khoảng 11 hộ thuộc diện GPMB. Thời gian tới, chính quyền địa phương và tổ công tác sẽ tiến hành thống kê, xác minh các hộ dân trong chỉ giới GPMB, khi đầy đủ căn cứ sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế đặc thù để áp dụng chính sách có lợi nhất cho người dân.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng, mở rộng quy mô Trường Tiểu học Phương Liên là một nhu cầu bức thiết của người dân và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn bộ hệ thống chính trị phường Phương Liên. Phương án xây trường tại vị trí cũ là không phù hợp với quy hoạch đã được thành phố phê duyệt, phương án di chuyển trường đến địa điểm mới mà UBND quận Đống Đa, phường Phương Liên đang triển khai thực hiện là công trình vì lợi ích dân sinh và có tính cấp bách, đã được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền nên rất cần có sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ. Trong quá trình triển khai dự án, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần căn cứ tình hình thực tế, xem xét giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân trên cơ sở áp dụng đúng quy định của pháp luật hiện hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.