(HNM) - Thiếu thiết chế văn hóa đang là vấn đề bức xúc khiến đời sống văn hóa của công nhân tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất bị thiệt thòi, không được bảo đảm đầy đủ.
Trước hết có thể thấy, đa phần công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay đều xuất thân từ nông thôn, có đời sống vật chất chưa dư dả, nhiều người phải ở thuê trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không bảo đảm các nhu cầu tối thiểu. Và khi chưa đủ “cái ăn, cái mặc” thì họ khó có tâm trí để nghĩ đến vui chơi, hưởng thụ.
Khó khăn hơn là các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân còn thiếu và yếu, nếu được đầu tư thì chưa tới nơi, tới chốn. Hình thức, chất lượng sinh hoạt văn hóa, thể thao nghèo nàn, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu công nhân…
Dễ thấy, vai trò của doanh nghiệp đối với đời sống tinh thần của công nhân còn rất mờ nhạt, chưa làm tròn trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Phần nhiều doanh nghiệp chỉ chú ý tới lợi nhuận mà ít dành sự quan tâm cho hoạt động ngoài sản xuất của người lao động. Việc phải tăng ca thường xuyên khiến công nhân thậm chí chẳng có đủ thời gian để nghỉ ngơi phục hồi thể lực. Vì thế mới có tình trạng tổ chức Công đoàn muốn tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thì phải chờ “thời cơ” ngày lễ, Tết… để “đàm phán”, đề xuất với chủ doanh nghiệp.
Những khoảng trống nói trên đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần được các cấp, các ngành và doanh nghiệp chung tay khắc phục và giải quyết triệt để, vì công nhân là lực lượng nòng cốt, sức lao động của họ đang sản xuất ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội.
Tại Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng nhấn mạnh một giải pháp quan trọng là: Tăng dần ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân lao động. Lúc này, cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành trung ương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân. Trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật liên quan.
Các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Đối với doanh nghiệp và doanh nhân cần đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, xây dựng chỉnh thể văn hóa đa dạng, giàu tính tương tác, thu hút công nhân. Ngoài việc tăng lương giảm giờ làm cho người lao động, cũng cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường học, bệnh viện, thư viện, khu vui chơi thể thao, tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia trong việc tạo sân chơi, nơi giải trí lành mạnh cho công nhân.
Cộng đồng trách nhiệm sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.