Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sớm xây dựng khung giá cước di động

Việt Nga| 08/05/2010 08:37

(HNM) - Gần đây, 3 "đại gia" cung cấp dịch vụ di động chiếm thị phần khống chế liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn được coi là gây "sốc". Nhiều người lo ngại rằng, sau những cuộc khuyến mãi kiểu này các nhà mạng nhỏ và mới hoạt động sẽ gặp khó khăn…

Nhiều chương trình khuyến mãi lớn của các nhà cung cấp dịch vụ di động đưa ra thu hút khách hàng. Ảnh: Thanh Hải

Có thể kể ra các chương trình khuyến mãi được đánh giá là gây "sốc" sau đây: Từ đầu tháng 4-2010, Viettel đưa ra chương trình VT200 cho phép khách hàng ở 12 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) sau khi bỏ ra 5.000 đồng đăng ký/ngày sẽ được gọi nội mạng với giá chỉ 200 đồng/phút. Ngày 1-5, hai "đại gia" di động Mobifone và Vinaphone cùng thực hiện chương trình miễn phí gọi nội mạng gồm cả cố định và di động của VNPT (cuộc gọi không quá 10 phút) trong 12 tháng (tuy nhiên ngoài cước thuê bao 50.000 đồng, hằng tháng khách hàng phải đóng thêm 60.000 đồng nữa). Dường như chương trình VT200 chưa đủ so với khuyến mãi của hai đối thủ, từ ngày 1-5, Viettel liền đưa thêm chương trình ưu đãi mới: thuê bao trả sau hòa mạng mới được gọi nội mạng cố định, di động miễn phí với 1.000 đồng/ngày (khách hàng phải đóng thêm 30.000 đồng/tháng, cuộc gọi không quá 10 phút)… Các khuyến mãi của 3 nhà mạng kể trên đều nhằm vào các cuộc gọi nội mạng và không giới hạn số lượng, tính chung mức cước cuộc gọi như vậy là quá rẻ. Không chỉ có vậy, cứ khoảng nửa tháng đều đặn các nhà mạng lại nhắn tin cho thuê bao trả trước chương trình tặng 50% giá trị thẻ nạp, thậm chí có nhà mạng khuyến mãi tới 170%. Rồi trước đó, các nhà mạng liên tiếp thực hiện chương trình miễn phí cuộc gọi từ phút thứ 4 đến phút thứ 10...

Khi cả 3 "đại gia" kể trên thực hiện các chương trình khuyến mãi kiểu này, nhiều người không khỏi lo ngại cho số phận của các nhà mạng nhỏ và mới hoạt động như Vietnamobile, EVN Telecom, Beeline… sẽ ra sao? Bởi, với các nhà mạng có bề dày hoạt động, họ đủ năng lực tài chính để duy trì các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút và giữ chân thuê bao. Song, từ đó cũng đặt ngược lại vấn đề, chuyện khuyến mãi của DN lớn không phải là xa lạ mà đã diễn ra nhiều năm nay, các nhà mạng nhỏ và mới trước khi hoạt động đều phải lường hết vấn đề này, nhưng nếu sợ không cạnh tranh nổi, sao vẫn có DN xin triển khai dịch vụ di động. Trường hợp Beeline là một ví dụ, không chỉ là nhà cung cấp di động thứ 7 (mới hoạt động từ tháng 7-2009), mà từ khi tham gia thị trường, nhà mạng này liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi gây "sốc", trong đó phải kể đến với gói cước 0 đồng - gọi quên ngày tháng, khi miễn phí gọi nội mạng từ phút thứ 2 đến phút thứ 20. Mạng Vietnamobile hoạt động trở lại vào tháng 5-2009 và đến nay đã có 5 triệu thuê bao… Đó là còn chưa kể đến một số nhà cung cấp dịch vụ không tần số đã được cấp phép (nhưng chưa hoạt động) như Đông Dương, VTC. Như vậy, không có lý gì các nhà mạng mới lại đầu tư để thu lỗ?! Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra khuyến mãi, chính các "đại gia" cũng nhiều lần than thở, họ bị giảm doanh thu, lợi nhuận và nếu cứ khuyến mãi kiểu này sẽ đến lúc bị thua lỗ, không có tiền để tái đầu tư mạng lưới và đầu tư cho các chương trình xã hội… Điều này cũng đã nhận được sự cảm thông của dư luận. Song, khi họ kêu vậy, hãy nhìn lại con số doanh thu mà cả 3 "đại gia" đạt được năm 2009 đều thuộc nhóm câu lạc bộ tỷ USD: Viettel Telecom hơn 40.000 tỷ đồng, Mobifone 31.000 tỷ đồng, Vinaphone 20.500 tỷ đồng (cả 3 "đại gia" đều chiếm tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận chủ chốt của công ty mẹ - Tập đoàn Viettel và VNPT).

Để bảo đảm cho thị trường viễn thông hoạt động lành mạnh và ổn định, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng quy định về giá cước nhằm chống khuyến mãi phá giá. Song, muốn khẳng định được vấn đề này không đơn giản. Vì, để kết luận có bán phá giá hay không, cơ quan quản lý phải xác định được giá thành, từ đó mới đối chiếu đâu là phá giá… Nhưng, đến nay, thông tin về việc xây dựng giá thành cước di động dựa trên cơ sở quy mô, thời gian hoạt động, mức độ đầu tư của mỗi nhà cung cấp… vẫn chưa được công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm xây dựng khung giá cước di động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.