Dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Kim Liên được UBND thành phố phê duyệt cách đây 10 năm và được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 cải tạo hồ Kim Liên lớn (diện tích 21.000m2), giai đoạn 2 cải tạo hồ Kim Liên nhỏ (3.000m2).
Điều đáng nói là khi dự án cải tạo hồ Kim Liên lớn đã cơ bản hoàn thành từ lâu thì dự án cải tạo hồ Kim Liên nhỏ vẫn chưa được triển khai. Việc này đang gây nhiều hệ lụy, bức xúc trong dư luận.
Hồ điều hòa thành ao tù nước đọng
Hồ Kim Liên to và hồ Kim Liên nhỏ nằm ở ngõ 34 phố Phương Mai, thuộc địa bàn phường Kim Liên (quận Đống Đa). Hai hồ thông nhau qua hệ thống cống. Ngày 23-4-2014, UBND thành phố phê duyệt Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Kim Liên với tổng kinh phí hơn 38,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và giao Ban quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là cải tạo hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ, làm sạch môi trường, chống lấn chiếm, tăng diện tích để phục vụ giao thông, góp phần cải thiện sinh hoạt của nhân dân khu vực. Quá trình triển khai dự án, các cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng 35.553,5m2 đất lấn chiếm thuộc phạm vi dự án với 42 phương án bồi thường, hỗ trợ.
Tính đến đầu năm 2023 (sau 9 năm dự án được phê duyệt), hồ Kim Liên lớn đã hoàn thành kè, nạo vét hồ, hệ thống đường giao thông, đường cấp, thoát nước, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, di chuyển hệ thống điện, bưu điện… Trong khi đó, dự án hồ Kim Liên nhỏ vẫn chưa được triển khai, trở thành ao tù, ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trong khu vực. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện một hộ dân ở đây bức xúc: "Người dân đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng và tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ"".
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, dự án hồ Kim Liên nhỏ chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng. Diện tích hồ đã bị một số người dân đổ đất lấn chiếm từ nhiều năm, dẫn đến dự án phải điều chỉnh chỉ giới giải phóng mặt bằng để hạn chế công tác đền bù. Tuy nhiên, một số hộ trong khu vực vẫn chưa đồng thuận nên công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện được.
Nguyên nhân khác nữa là do chuyển đổi nhiều chủ đầu tư. Cụ thể, ngày 29-4-2020, UBND thành phố có Thông báo số 131/TB-VP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét đề nghị chuyển chủ đầu tư dự án từ Ban Quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải) sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố làm chủ đầu tư.
Sau đó, ngày 25-5-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo thành phố đề xuất chuyển chủ đầu tư dự án theo đề xuất của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố. Ngày 10-6-2020, UBND thành phố có thông báo chấp thuận chủ trương chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Kim Liên cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Song, một lần nữa công tác chuyển chủ đầu tư chưa thực hiện được.
Tiếp đó, ngày 14-9-2020, thành phố có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội, UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan căn cứ quy định của pháp luật hiện hành nghiên cứu đề nghị của Sở Xây dựng và tham mưu đề xuất báo cáo UBND thành phố.
Và mãi 2 năm sau, ngày 10-6-2022, dự án mới được chuyển chủ đầu tư theo Quyết định số 1971/QĐ-UBND của UBND thành phố giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và nông nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai và cũng chưa có thời hạn cụ thể. Nguyên nhân, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang, hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và nông nghiệp đang báo cáo thành phố giao UBND quận Đống Đa tiếp nhận lại dự án theo đúng hiện trạng nghiên cứu…
Còn theo văn bản mới nhất số 293/BQLDAHTKT&NN-MT, ngày 21-3-2024, của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và nông nghiệp do Phó Giám đốc Chu Mạnh Tuấn ký gửi Sở Xây dựng để báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết nhiều vướng mắc còn tồn tại là, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được triển khai thực hiện; các gói thầu hồ Kim Liên nhỏ vẫn chưa chọn được nhà thầu; thời gian thực hiện dự án đã hết và dự án cũng không được bố trí vốn để triển khai…
Do đó, mong ngóng của người dân nơi đây về việc thực hiện dự án vẫn chỉ là... hy vọng. Trong thời gian tiếp tục chờ dự án khởi động, Chủ tịch UBND phường Kim Liên Nguyễn Thành Trường và Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, đang phối hợp đơn vị quản lý môi trường thực hiện giải pháp tình thế là nạo vét hồ, bảo đảm vệ sinh môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.